95,18%  người bệnh nội trú đánh giá hài lòng chung

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, Sở Y tế đã quán triệt đầy đủ các nội dung tới cán bộ, công chức, lao động của ngành, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, với việc thực hiện tốt tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện tốt kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành đã duy trì trực đường dây nóng, xây dựng thái độ, phong cách văn minh, thân thiện, niêm yết công khai giờ làm việc, phân công các tổ luân phiên đến sớm và về muộn hơn thời gian khám bệnh ít nhất 30 phút để tiếp đón người bệnh, giải quyết hết người bệnh trong ngày. Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, đề xuất, bổ sung các cơ chế chính sách y tế theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Từ năm 2016 đến nay, tổng số thủ tục hành chính của ngành bãi bỏ là 122/332 thủ tục; đã giảm 50% thời gian cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Cụ thể, thời gian cấp chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế giảm từ 60 ngày xuống còn 30 ngày. Thời gian cấp giấy phép hoạt động giảm từ 90 ngày xuống còn 45 ngày.

Đặc biệt, từ ngày 1/6/2018, qua triển khai dịch vụ công mức độ 3, Sở Y tế đã tiếp tục giảm thời gian cấp chứng chỉ hành nghề từ 30 ngày xuống còn 10 ngày. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến tháng 5/2019, Sở Y tế đã giải quyết được trên 54.200 hồ sơ, trong đó giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn trên 53.900 hồ sơ (đạt tỷ lệ 98,11%).

Sở Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trên hệ thống dùng chung của thành phố. Hiện nay, Sở Y tế đã thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và 4 với 113/146 thủ tục hành chính.

Đáng chú ý, năm 2018, Sở Y tế đã khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân tại 70 bệnh viện với trên 4.800 phiếu. Kết quả cho thấy mức độ hài lòng chung đạt tổng điểm trung bình là 4,41, tỷ lệ người bệnh nội trú đánh giá hài lòng chung đạt 95,18%.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức

Theo ông Hiền, những năm qua, ngành Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, người lao động đồng bộ, có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Sở Y tế đã triển khai các đề án đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ đi đào tạo về chuyên môn…

Cụ thể, năm 2017, Sở Y tế đã cử 498 CBCCVC đi đào tạo chuyên môn. Năm 2018, có 12 bác sĩ của Bệnh viên Đa khoa Xanh Pôn, gồm các kíp phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức chống độc… đi học đào tạo chuyên sâu và cử 671 CBCCVC đi dự tuyển sinh các chuyên ngành theo đề xuất của đơn vị.

Năm 2019, có 18 cán bộ tham dự lớp đào tạo về quản lý y tế tại Cộng hòa Pháp, cử 171 CBCCVC đi dự tuyển sinh các chuyên ngành theo đề xuất của các đơn vị.

Về cải cách tài chính công, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, các đơn vị được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để cải tạo, mở rộng mua sắm trang thiết bị và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh mới, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, gắn với việc công khai, minh bạch hoạt động, tài chính.

Hiện nay, Sở Y tế có 79 đơn vị trực thuộc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Hầu hết các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, bố trí đúng vị trí việc làm, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, qua đó phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế trong thực hiện nhiệm vụ. 

Hướng tới xây dựng “y tế thông minh”

Từ kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, chuyển sang hình thức quản lý hồ sơ trên mạng; xây dựng quy chế, quy trình để từng cán bộ biết công việc của mình, chuyên môn phải thành thục, tác phong chuyên nghiệp, đúng tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm phục vụ”.

"Công nghệ thông tin sẽ thay đổi cục diện phương pháp làm việc, quản lý và chất lượng khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới “y tế thông minh” là việc làm cần thiết. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, chăm sóc để tiến tới bệnh nhân không cần người thân khi đến bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo”, ông Chung nhấn mạnh.

Lê Phương