Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: Tiếp nhận hồ sơ, thông báo quảng tuyển chọn lao động, tư vấn, thu phí, lệ phí tuyển chọn lao động, trực tiếp tuyển chọn lao động...

Đợt kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về xuất khẩu lao động của tổ chức, cá nhân tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, như: Quyết định thành lập điểm tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đại diện và danh sách trích ngang người đứng đầu hoặc người tiếp nhận hồ sơ; Quyết định bổ nhiệm hoặc Hợp đồng lao động, văn bản cử cán bộ tuyển chọn lao động; Hồ sơ năng lực pháp lý của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; văn bản của sở, UBND cấp huyện hoặc Phòng LĐ&XH huyện, thị xã, thành phố về việc đề nghị các địa phương phối hợp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Phiếu thu hoặc Biên lai thu tiền phí, lệ phí của người lao động; nội dung khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ&XH tỉnh Quảng Bình cho biết, thông qua kiểm tra để các cơ quan chức năng liên quan nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động. 

Đây cũng là dịp để ghi nhận vướng mắc, khó khăn trong việc chấp hành quy định của pháp luật để báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh và Bộ LĐ&XH các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động.

Duy Hưng