Kiểm soát chặt, không để “đẻ số” biên chế

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, triển khai Nghị quyết 27, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27.

Ông Thăng thông tin, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là phải trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 1/1/2020.

Cùng với đó, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị…

Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình chuẩn bị đề án, nhiều vấn đề về cải cách lương đã sáng tỏ và được giải trình cụ thể nhưng giờ cần phải cụ thể hoá.

“Khó khăn nhất là ta chuẩn bị cơ sở cho cải cách lương trong bối cảnh chuẩn bị xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp nên việc này làm càng sớm càng tốt, càng có dư địa để bàn thảo kỹ”, Phó Thủ tướng nêu tinh thần với các bộ, ngành.

Đặc biệt lưu ý việc xây dựng vị trí việc làm, Phó Thủ tướng nêu rõ, tinh thần của Nghị quyết 27 là đề án phải bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế (mỗi năm giảm 2,5% biên chế). Vì vậy, không chấp nhận xây dựng, phê duyệt đề án mà biên chế vẫn tăng, phình ra.

“Khối tư nhân một người làm lái xe, kiêm cả thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Trong Nhà nước, một vị trí có ngày làm tới 1,5 hoặc 2 ca thì phải có 2 biên chế thì không được. Pháp luật còn cho phép làm thêm giờ cũng như chi trả lương thưởng thì không thể áp dụng máy móc thế được”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, phân công, phân cấp phải gắn với quản lý chứ không phải “thả gà ra đuổi”. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, “đẻ số” ra rồi dùng dằng duyệt hay không duyệt, dẫn đến không thực hiện được cải cách tiền lương.

Vì vậy, Bộ Nội vụ được yêu cầu kế thừa kinh nghiệm triển khai từ trước tới nay, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp chứ không máy móc áp dụng với Việt Nam để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.

Không để điều chỉnh lương không đáng được bao nhiêu

Về nguồn lực để cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và các địa phương tập trung các nguồn lực tài chính dành cho cải cách lương, kể cả nguồn vượt thu ngân sách Trung ương và địa phương từ 2018 - 2020 để tăng lương, không để xảy ra tình trạng các địa phương xin dùng nguồn cải cách lương để chi cho việc khác.

“Không thể để Nghị quyết Trung ương đặt ra yêu cầu mà không thực hiện được trong thực tiễn hoặc điều chỉnh lương không đáng được bao nhiêu, không đáp ứng được kỳ vọng của công chức, viên chức và người lao động”, Trưởng Ban Chỉ đạo nói.

Với việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc, chủ trương của Đảng, Nhà nước là không bao giờ để con em thất học, người bệnh không có nơi để khám chữa bệnh, song, phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết 19-NQ/TW, cơ cấu lại trong nội bộ để lấy dư địa cho những nơi cần tăng biên chế, cuối cùng vẫn là phải tiết giảm biên chế 2,5%/năm.

Lãnh đạo Chính phủ ví dụ, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện sắp xếp rất tốt. Hay Quảng Ninh đã tự rà soát, sắp xếp mà không cần thêm người. Và đây là một trong những biện pháp để cải cách tiền lương.

Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó từ 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm: khu vực hành chính Nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo); khu vực doanh nghiệp thì thực hiện ngang bằng nhau với khối doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước (ngoại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý).

Hương Giang