Không có khởi nghiệp thì không có khởi nghiệp thành công

Từ thực tế bản thân, nhiều doanh nhân thành đạt nhấn mạnh rằng, nếu muốn khởi nghiệp thành công thì điều quan trọng là dám thất bại và biết sửa sai.

“Người ta nói nhiều về khởi nghiệp. Tôi nghĩ khởi nghiệp không ồn ào và hào nhoáng như truyền thông vẫn tung hô. 90% người trẻ khởi nghiệp thất bại. Những người thành công đều phải trải qua sóng gió và cả những bi kịch thương trường. Người trẻ hôm nay muốn khởi nghiệp đừng ảo tưởng về ánh hào quang của những tấm gương thành đạt. Các bạn trẻ đừng nghĩ tỷ phú Bill Gates bỏ học đại học vẫn có thể trở thành người giàu nhất thế giới. Con đường khởi nghiệp chông gai, đầy cám dỗ. Điều người khởi nghiệp cần có là ý tưởng, đam mê và đừng bỏ cuộc”. Đó chính là những lời tâm sự gan ruột của Đào Xuân Hoàng, “cha đẻ” của một trong những phầm mềm ứng dụng được tải nhiều nhất Việt Nam. Sản phẩm khởi nghiệp của anh là ứng dụng Monkey Junior đã giải nhất Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016 được Chính phủ Mỹ tổ chức thường niên nhằm chọn ra những tổ chức, công ty công nghệ có sản phẩm mang giá trị cộng đồng cao. Đồng thời anh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2016.

Nhấn mạnh không có bất kỳ công thức nào cho việc khởi nghiệp thành công, tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sam Holdings Trần Anh Vương: Muốn khởi nghiệp thành công thì phải khởi nghiệp. “Thành công không bao giờ đến dễ dàng, điều quan trọng, dù thất bại, người trẻ vẫn nên tiếp tục vững vàng khởi nghiệp, bởi nếu không khởi nghiệp sẽ không có khởi nghiệp thành công”-doanh nhân Trần Anh Vương nhấn mạnh.

Trải qua nhiều lần khởi nghiệp thất bại, các doanh nhân thành đạt tự đúc kết lại rằng, các yếu tố bắt buộc để đi đến thành công đó là sự trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kiên trì và có một chút liều. Cùng với đó, ở bất kỳ lĩnh vực nào, nguồn vốn không phải là yếu tố quyết định cho việc khởi nghiệp mà quan trọng là ý tưởng sáng tạo và biết lập kế hoạch chi tiết, hiệu quả nhằm tạo ra sản phẩm hay giải pháp hữu ích thiết thực với khách hàng.

Chia sẻ rõ về điều này, nhà đầu tư Thái Vân Linh - Giám đốc Vận hành và Chiến lược Quỹ đầu tư mạo hiểm VINACAPITAL chia sẻ, nhiều người thường cho rằng cuộc đời mình không may mắn nhưng cũng có những người than phiền đã gặp may mắn rồi, chỉ là họ không có đủ năng lực để nắm lấy nó. Lấy ví dụ từ sự nghiệp của chính mình, nhà đầu tư Thái Vân Linh kể, trước khi về Việt Nam, Linh đã từng làm việc tại các công ty tài chính lớn cũng như công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Năm 2008,  người bạn cho biết Quỹ đầu tư mạo hiểm VINACAPITAL đang cần tìm vị trí giám đốc vận hành và Linh đã nắm bắt cơ hội ấy sau 3 cuộc phỏng vấn.

"Ba lần phỏng vấn trong khoảng 4-5 tiếng và nói về một chủ đề thì phải hiểu rất sâu. Và 3 cuộc phỏng vấn ấy tương đương với 10 năm chuẩn bị. Những thứ ấy không thể "ôn bài" trong 1-2 ngày là biết hết được. Lời khuyên cho các bạn là không quan trọng bạn muốn làm gì, làm ngành nào, làm lĩnh vực nào mà quan trọng là bạn đang tăng trưởng như thế nào. Tức là phải có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trước khi cơ hội tìm đến"-nhà đầu tư Thái Vân Linh khẳng định.

Kinh nghiệm chỉ có được khi làm

Từng thất bại khi nhiều lần khởi nghiệp, doanh nhân Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Thế kỷ Cengroup bày tỏ, người ta thường chỉ ra nguyên nhân thất bại khi khởi nghiệp đó là sự thiếu kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm chỉ có thể có được khi bắt tay vào làm, thành công quan trọng nhất là hành động, không chỉ dừng lại ở suy nghĩ và nói ra. Cùng với đó, nhiều người cũng thường nói về lòng trung thành trong công việc nhưng ông Hưng lại nhảy việc rất kinh khủng.

Lý giải cụ thể hơn, doanh nhân Phạm Thanh Hưng lập luận, thời gian là công bằng với tất cả, ai cũng chỉ có 24 giờ/ngày, không giống như tiền bạc, có thể người này, vì thế, hãy tận dụng thời gian đừng để lãng phí vì có những thứ sau này không làm lại được. "Ví dụ hãy tận dụng giai đoạn 18-20 để đọc sách. Ở độ tuổi 18-20 đầu óc sẽ giống bộ nhớ USB nhưng chưa ghi cái gì cả, đọc đâu nhớ đấy, tốc độ liên tục, nhanh kinh khủng. Ngoài ra, các bạn trẻ nên chủ động đi làm thêm tại các lĩnh vực khác nhau, kể cả ngoài những gì đang học để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức"- ông Hưng gợi ý.

Lý giải nguyên nhân vì sao 90% startup Việt không thể đi được xa,  Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, đa phần startup hình thành từ một ý tưởng kinh doanh. Họ chưa vận hành lâu một doanh nghiệp. Chính vì vậy, có nhiều vướng mắc trong tương lai họ chưa thể hình dung ra hết.

 

Không gian làm việc tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vũ

 

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, đa số những người thành công là người biết cân bằng được, biết lấy ngắn nuôi dài, tự lo để tồn tại trước, xong mới hy vọng biến các ý tưởng thành hiện thực. “Số ít những người thành công là người kiên trì, bền bỉ, có cái nhìn toàn diện, biết tính toán, căn cơ để làm sao tồn tại được đủ đến một ngưỡng hòa vốn, khi sản phẩm hay dịch vụ của họ được thị trường chấp nhận, lúc ấy mới có dòng tiền quay về và starup mới tồn tại được”- doanh nhân Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh.

Có thể nói, thời gian gần đây các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện bài bản và phong phú hơn. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nhận được khoản đầu tư lớn và những triết lý kinh doanh sâu sắc từ thế hệ cộng đồng doanh nghiệp thành công. Đáng chú ý, một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp, chính là những nỗ lực, cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong suốt thời gian qua. Từ những lời nói của người đứng đầu Chính phủ cho đến những chính sách, nghị định được ban hành đã tạo ra một môi trường thuận lợi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Kỳ vọng về quốc gia khởi nghiệp trong tương lai không xa là hoàn toàn có cơ sở.

Minh Đức