Và không ít trong số đó là GV giỏi cấp thành phố, là trưởng các bộ môn, là GV bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện nhà... Thế nhưng họ đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp bởi những quy định của kỳ thi tuyển viên chức được cho là thiếu công bằng.

Cống hiến 20 năm cũng giống mới ra trường!

Theo Thông báo 667 ngày 14/3/2019 của UBND huyện Sóc Sơn, huyện này sẽ tuyển dụng viên chức giáo dục thông qua hình thức thi tuyển. Chỉ tiêu tuyển dụng là 685 người dành cho 3 cấp học (mầm non 206, tiểu học 282, THCS 197).

Điểm mới của lần thi này là thí sinh phải bắt buộc thi tiếng Anh. Đối tượng cũng được mở rộng, không có giới hạn về hộ khẩu, không giới hạn độ tuổi, và đặc biệt không có chế độ ưu tiên nào đối với GV hợp đồng lâu năm, nếu không vượt qua “cửa ải” lần này, gần 300 GV sẽ chính thức bị mất việc vào tháng 5/2020.

Thông tin này như "gáo nước lạnh" khiến những GV dạy hợp đồng lâu năm ở Sóc Sơn bị suy sụp tinh thần, tất cả 256 thầy cô đồng loạt ký vào đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng với mong muốn được xét tuyển đặc cách.

Cô Bùi Hương Lan - Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THCS Đức Hòa nói trong nước mắt: Chúng tôi đều gắn bó với nghề đã lâu, người ít cũng 6 năm, nhiều cũng 27-28 năm, nhiều người đã lên ông lên bà. Chúng tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành Giáo dục huyện nhà, đã khẳng định được chuyên môn trong suốt hơn 20 năm qua, nhiều người là giáo viên giỏi cấp thành phố, giữ những vị trí chủ chốt trong trường, là trưởng các bộ môn, là giáo viên bồi dưỡng các thế hệ học sinh giỏi của huyện.

"21 năm nay huyện Sóc Sơn không tổ chức thi tuyển viên chức với môn Văn. Đến bây giờ - khi chúng tôi "mắt mờ chân chậm" lại đưa ra thi đấu với các em là học sinh của mình. Chúng tôi tha thiết mong muốn được xét đặc cách" - cô Lan gạt nước mắt rồi nói tiếp: “Chúng tôi gần như đã dành cả đời để cống hiến cho ngành Giáo dục, mà đến nay không được ưu tiên gì. Như vậy có công bằng không?".

Chỉ còn 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nhưng cô giáo (xin được giấu tên) công tác tại Trường THCS Hiền Ninh cũng đang đứng bên… “bờ vực thẳm”.

Cô kể: "Chồng tôi mất sớm, một mình trông chờ vào đồng lương ít ỏi để nuôi 2 con ăn học. Tiền lương mấy mẹ con phải “liệu cơm gắp mắm” mới đủ sống. 19 năm công tác trong ngành Giáo dục, đến nay đã 53 tuổi lại có nguy cơ bị ra khỏi ngành. Tôi là trụ cột trong gia đình, không còn được giảng dạy, biết xin việc ở đâu? Con cái biết trông chờ vào ai?".

24 năm công tác trong ngành, từ những ngày huyện nhà còn thiếu GV, đến nay cô Lương Thị Trang Nhung - GV Trường THCS Phù Ninh cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự.

“Thời điểm tôi ra trường, huyện Sóc Sơn thiếu rất nhiều GV, khi ấy bằng đại học chính quy ra trường về giảng dạy đối với huyện Sóc Sơn là cái gì đó rất quý giá. Nhiều người trong chúng tôi không có hộ khẩu Hà Nội, nhà trường còn huy động cả xã xây lán cho chúng tôi ở... Bao nhiêu năm chúng tôi không quản khó khăn, luôn cố gắng, nỗ lực hi vọng sẽ được ghi nhận.

Trong công tác tôi cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường THCS Phù Ninh nơi tôi dạy là trường “top” đầu của huyện. Bản thân tôi là tổ trưởng tổ chuyên môn của nhà trường, 24 năm liên tục là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua, tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện, được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, 2 lần được nâng lương trước thời hạn.

Thành tích đó là "minh chứng sống" cho năng lực chuyên môn của tôi, nhưng bây giờ lại đẩy tôi phải thi tuyển như những em mới ra trường. Bao nhiêu đóng góp chúng tôi coi như đổ “xuống sông xuống biển” hết!".

Nhiều thầy, cô giáo không kìm được nước mắt khi nói về tình cảnh của mình hiện nay. Ảnh: HH

GV giỏi cấp huyện, thành phố thi viên chức vẫn... trượt?

Trao đổi với hơn 100 giáo viên có mặt tại huyện Sóc Sơn trong buổi chiều ngày 26/3, chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy nghịch lý. Có người 53 tuổi vẫn phải đi thi viên chức, có không ít thầy cô là GV giỏi cấp huyện, rồi cấp thành phố thi viên chức nhiều lần vẫn… trượt?

Cô Lan chia sẻ: 21 năm nay Sóc Sơn không tổ chức thi viên chức môn Ngữ văn. Trong số gần 300 thầy cô có nguy cơ mất việc lần này, phần lớn là những người chưa bao giờ được thi, có những người không đủ điều kiện dự thi, có người là GV giỏi cấp huyện, cấp thành phố đi thi nhưng không đỗ.

"Lý do không được vào viên chức cũng nhiều lắm. Có đợt thi yêu cầu phải có hộ khẩu Hà Nội, có năm lại yêu cầu bằng đại học, có năm yêu cầu bằng chính quy, nhưng năm nay lại mở rộng đối tượng, hộ khẩu trên toàn quốc, không phân biệt bằng cấp… Đây thực sự là thiệt thòi cho chúng tôi" - cô Lan nói trong nước mắt.

Cho rằng tình trạng GV hợp đồng ở Sóc Sơn là đặc biệt nhất so với cả nước, thầy Bùi Văn Chính - GV Vật Lý - Tin học, Trường THCS Đông Xuân dẫn chứng: Ở Sóc Sơn ký hợp đồng với GV rải rác từ năm 1993 - 2013. Trong đó, từ 1993 - 2010 thì không ghi thời hạn hợp đồng, chế độ được hưởng như viên chức bình thường, chỉ thiệt thòi hơn là không được hưởng thâm niên, không được làm lãnh đạo.

Theo thầy Chính, Nghị định 29/2012, Điều 14 về xét đặc cách có ghi rõ là "công tác 3 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng bảo hiểm liên tục thì được xét đặc cách”, nhưng không hiểu khi ấy huyện Sóc Sơn lại bỏ qua quy định này.

Đến khi Nghị định 161/2018 ra đời, tuy quy định đã mở hơn rất nhiều, nhưng đó lại là “cánh cửa hẹp” đối với những người tuổi cao như chúng tôi.

Đó cũng là tâm trạng của nhiều GV hợp đồng khác. Cô Lương Thị Trang Nhung cho hay, "trong thời gian công tác, bản thân tôi 24 năm hợp đồng, từ năm 1997- 1998 có kỳ thi viên chức khi ấy tôi chưa có hộ khẩu, nên không được thi, nhưng từ đó đến nay chưa có kỳ thi nào để tôi có cơ hội tham gia".

“Chúng tôi không thi viên chức nhưng vẫn được tăng lương đều đều. Năng lực giảng dạy của tôi đã được chứng minh trong suốt 24 năm qua. Chúng tôi không sợ thi nhưng không bao giờ tự tin thi đỗ vì có những người GV giỏi cấp huyện, cấp thành phố thi 2, 3 lần vẫn… trượt. Trong khi có một thực tế là nhiều GV biên chế rồi, nhưng vào trường không thể hiện được năng lực", cô Nhung chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - GV tiếng Anh, Trường THCS Phù Ninh là Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm, đã từng đoạt giải Nhất GV giỏi tiếng Anh cấp huyện; giải Ba GV giỏi cấp thành phố, có nhiều học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi… nhưng khi thi viên chức lại trượt.

“Một bài thi không thể khẳng định được trình độ chuyên môn của GV, càng không thể quyết định số phận của 1 con người, nhất là khi chúng tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành Giáo dục” - thầy Hùng nhấn mạnh.

Chung số phận, cô Nguyễn Thị Thu Huyền - GV tiếng Anh, Trường Tiểu Học Thanh Xuân chia sẻ: Ra trường với tấm bằng Giỏi trong tay. Tôi về dạy ở huyện Sóc Sơn từ những năm 1999 - khi ấy huyện rất thiếu GV tiếng Anh nên rất “hot”.

"Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn nỗ lực học hỏi, năm 2013, toàn TP Hà Nội rà soát năng lực GV tiếng Anh, cả huyện Sóc Sơn chỉ mình tôi đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo chuẩn của châu Âu. Nhiều năm tôi là Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhưng 3 lần thi viên chức đều không đỗ", cô Huyền xúc động nói.

Cô Huyền nhớ: "Lần thứ 3 thi viên chức vì tôi có bằng đại học loại giỏi nên theo quy định được ưu tiên cộng 10 điểm, đây là lợi thế lắm rồi, cộng với điểm soạn giáo án đạt cao nhất, điểm giảng dạy cao nhất, nhưng vòng phỏng vấn cuối cùng điểm của tôi lại thấp hơn nên lại trượt. Thực sự tôi thấy kỳ thi này rất khó, đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh và không tự tin mình sẽ vượt qua”.

Những cái tên chúng tôi kể trên đây chỉ là số ít trong tổng số gần 300 GV hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc. Còn nhiều những gương mặt, những hoàn cảnh éo le, có những người đang chữa bệnh hiểm nghèo ở bệnh viện cũng không quên gửi những tấm bằng khen, những kỷ niệm chương quý giá của cuộc đời mình để đồng nghiệp thay mình lên tiếng…

Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, để cuộc thi tuyển viên chức ngành Giáo dục ở Sóc Sơn thực sự thấu tình, đạt lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Hải Hà - Ban Mai