10 năm nếm mật nằm gai đổi lấy cơ ngơi tiền tỷ

Chúng tôi có dịp về thăm vùng Trà Sơn vào những ngày cuối tháng 8, những vườn cam trĩu quả xanh mướt đang trong thời kỳ phát triển, người dân đang tất bật các công đoạn chăm sóc cây cam để có vụ mùa tốt nhất. Tại đây tôi được nghe nhiều câu chuyện về hành trình làm giàu của người dân và cơ duyên để cây cam chanh bén duyên ở vùng đất từng được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Đặc biệt, trong những câu chuyện tôi được nghe nhiều nhất là về nữ nông dân Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Người phụ nữ này đã mạnh dạn nghỉ việc ở nông trường cao su, xung phong lên vùng núi phát triển kinh tế vườn đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây cam chanh cho thu nhập tiền tỷ, không những thế còn “nhân giống” phát triển cây cam chanh sang các hộ gia đình khác, làm giàu cho cả một vùng quê.

Gặp chị Phan Thị Hiền tại Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền, nữ tỷ phú chân đất này đang cùng hàng chục nhân công tiến hành làm cỏ, bón phân, cắt tỉa để loại bỏ các cành cây yếu, cho quả nhỏ.

Chị Hiền vui mừng chia sẻ: “Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng đến thời điểm hiện tại thì sản lượng cam đạt tỷ lệ cao hơn, chất lượng quả cũng tốt hơn so với mọi năm. Mặc dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng theo kinh nghiệm của tôi, doanh thu năm nay sẽ cao hơn năm trước, dự kiến hơn 1 tỷ đồng/mùa vụ.”

Nhớ lại những ngày đầu mới lên “thuần hóa” mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, chị Hiền cho biết, chị và chồng vốn là công nhân của Công ty Cao Su Hà Tĩnh, thu nhập từ đồng lương ba cọc ba đồng khiến cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn. Khi đang loay hoay về bài toán kinh tế thì năm 1993, chị Hiền cùng 8 hộ dân khác như được mở cờ trong bụng khi được chính quyền địa phương khuyến khích lên vùng núi Trà Sơn làm kinh tế.

“Được chính quyền địa phương khuyến khích lên vùng kinh tế, tôi quyết định nghỉ việc ở Công ty Cao su Hà Tĩnh. Những tưởng lên vùng đất mới mọi việc sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, khi đã đặt chân lên đây, tôi ứa nước mắt khi tứ bề đều là đồi núi, đất đai cằn cỗi không có gì ngoài cây cỏ dại. Nhiều lần vợ chồng tôi định bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của gia đình hai bên, vợ chồng tôi đã “đánh liều” phát quang rừng rậm trồng các loại cây hoa màu như khoai, sắn, đậu…”.

Vợ chồng chị Hiền vui mừng vì vụ cam năm nay được mùa bội thu

Vận may đến khi Nghị định 327 của Chính phủ về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa được thực hiện, chị Hiền cùng các hộ khác ở vùng Thượng Can (vùng núi của huyện Can Lộc) được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống như cam, chanh, bưởi… Những năm đầu không mấy hiệu quả vì cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật trồng trọt còn sơ sài, chưa có kinh nghiệm. Một số hộ dân chán nản, từ bỏ về xuôi, riêng chị Hiền vẫn kiên trì bám trụ với mảnh đất này. Sau 5 năm thử nghiệm, sàng lọc một số loại cây ăn quả được Nhà nước cấp, chị Hiền nhận thấy giống cây cam chanh là giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên đã mạnh dạn phá bỏ các loại cây ăn quả khác và chú trọng mở rộng quy mô, diện tích trồng cây cam chanh, đưa giống cây này làm cây chủ lực.

Sau hàng chục năm “nếm mật nằm gai” trên vùng đất cằn sỏi đá, đến nay, chị Hiền đã đứng ra thành lập HTX Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền. Kể từ khi HTX ra đời không những làm giàu cho chính gia đình chị mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy diện tích của HTX đến nay chỉ mới đạt 2,7ha, nhưng với mục đích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng. Sản phẩm khi thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao.

Không chỉ phát triển cây cam chanh, năm 2016, chị Hiền mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến gỗ lâm nghiệp với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng/người.

“Nhân giống” mô hình cam chanh VietGAP

Không chỉ đảm đang trong vai trò là bà chủ trang trại cam ở xứ Trà Sơn, chị Hiền còn khẳng định vị trí, vai trò của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Phát triển cây cam chanh trở thành thương hiệu của Trà Sơn nếu chỉ mình tôi làm thì chưa đủ, tôi giúp đỡ các hộ gia đình phát triển mô hình này vừa để giúp họ phát triển kinh tế, vừa giúp địa phương phát triển, làm giàu từ cây cam, đưa thương hiệu cam chanh Trà Sơn nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà còn trên cả nước”, chị Hiền tâm sự.

Chính vì vậy, khi những hộ gia đình muốn phát triển kinh tế vườn thì dù mưa hay nắng, chị cũng không quản ngại khó khăn, đến từng vườn từng nhà chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đến khi thành công mới thôi.

Hiện trang trại của chị Hiền đã tiến hành ươm cây giống, hỗ trợ cây giống cho những người muốn làm giàu từ cây cam, đặc biệt chị đã hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cho nhiều hộ nghèo không lấy tiền vốn.

Nói về người nông dân Phan Thị Hiền, anh Đặng Tịnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Thượng Lộc cho biết: “Chị Hiền là một trong những nông dân tiêu biểu của xã. Sau khi chị Hiền thành công với mô hình trồng cam chị rất hăng hái chuyển giao kỹ thuật, giống cho các hộ dân khác trong và ngoài xã để làm giàu”.

Xưởng chế biến gỗ lâm nghiệp của chị Hiền đang ăn nên làm ra

Chị Nguyễn Thị Thu (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) - người được chị Hiền cầm tay chỉ việc chia sẻ: “Gia đình tôi có một trang trai rộng hơn 3ha nhưng chưa năm nào vợ chồng tôi có lãi từ trang trại này. Trong một lần chị Hiền cùng đoàn nông dân của xã đi tham quan mô hình trang trại, chị Hiền đã khuyên tôi nên chặt bỏ những cây tạp trong vườn, thay vào đó là trồng cây cam chanh. Lúc đầu tôi không đồng ý, vì thiếu vốn và cũng sợ thất bại nhưng được sự hỗ trợ, động viên của chị Hiền vợ chồng tôi đã mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ số cây tạp trong vườn để trồng cam. Sau khi chặt bỏ cây tạp trong vườn, chị Hiền hỗ trợ vợ chồng tôi từ phân bón đến cây giống, hiện nay vườn cam đã lên xanh mướt, tôi tin sẽ đạt hiệu quả cao”.

“Nếu không có chị Hiền hiến kế cho tôi chặt phá vườn cây tạp để trồng cây cam chanh thì đến nay gia đình tôi vẫn đang còn trong vòng luẩn quẩn với bài toán kinh tế”, chị Thu nói.

Để biến vườn đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành một vùng đất trù phú là thành quả của hàng chục năm “nếm mật nằm gai”. Không sợ khó, không sợ thất bại, kiên trì phát triển giống cây cam chanh nên bây giờ chị Hiền đã và đang gặt hại được những quả ngọt. Với sự thành công từ mô hình cây cam chanh của HTX Thanh Hiền cùng với việc nhân rộng mô hình này trên diện tích rộng lớn vùng Trà Sơn, đặc sản cam chanh Thượng Lộc sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Hải Yến