Người lao động xoay sở

Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP HCM đang tìm cách xoay sở trong mùa dịch Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Tân, đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình cho biết: “Từ đầu năm đến nay vì dịch bệnh Covid-19, con cái nghỉ học. Tuần đầu tiên hai vợ chồng thay nhau nghỉ để trông con, sang đến tuần nghỉ thứ hai thì phải gửi con về miền Tây cho ông bà nội. Chưa kể đến việc, cả ngày đi làm rồi quay về phòng, vợ chồng không đi ra ngoài, không gặp gỡ bạn bè; chi phí sinh hoạt của gia đình tăng lên do thực phẩm giá cao... Công việc thì cũng bất ổn. Tôi đã quyết định xin nghỉ không lương từ đầu tháng 3, chuyển sang làm shipper, vì giữa mùa dịch này, nhiều người hạn chế ra ngoài họ sử dụng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn”.

Hơn 80 nghìn tỷ hỗ trợ thuế cho DN

Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Chính phủ Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ước tính số tiền hỗ trợ khoảng 80.200 tỷ đồng.

Các trường hợp được hỗ trợ gồm DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành như: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày; vận tải, đường sắt; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và nghị định quy định chi tiết.

Dự kiến, người nộp thuế được gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6 (đối với trường hợp kê khai thuế theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, 2 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý). Thời gian gia hạn là 5 tháng.

Người nộp thuế được gia hạn thời gian nộp với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào ngân sách và số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, 2. Thời gian gia hạn 5 tháng.

Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15/12.

Buổi trưa trời nóng bức, hai cô giáo mầm non tại một ngôi trường nằm ngay quốc lộ 1 (quận 12, TP HCM) che một cái dù nhỏ ngồi bán nước sâm ngay trước cổng trường. Một cái biển nhỏ đề: "Nước sâm 5.000 đồng" được treo lên.

Cô giáo trẻ tên Phương mới vào nghề, kể: "Tôi mới xin vào làm được 7 tháng nên chưa đủ thời gian để hưởng các chế độ theo quy định. Sau Tết đứng lớp được chừng 2 ngày thì học sinh được cho nghỉ tới giờ, trường tạm đóng cửa nên tôi cùng với mấy cô giáo bàn nhau bán nước sâm, bán nước rửa tay và bán cả giày dép vào buổi chiều để có thu nhập”.

Cô Phương mong muốn: “Chính phủ có chính sách trợ cấp tình thế, ngắn hạn, mức lương tối thiểu đối người lao động như tôi trong mùa dịch này”.

Cho Phương cho biết, ngôi trường cô giảng dạy có khoảng 14 cô giáo thì phần lớn các cô đã về nhà, chỉ có 5 cô nhà xa ở lại. Các cô giáo ở đây được nhà trường sắp xếp ở ngay trong trường, không phải tốn tiền thuê nhà nên cũng bớt được phần nào khó khăn.

Những người mua xe trả góp chạy taxi công nghệ cũng đang lao đao vì dịch. Anh Đào Đức Khôi, ngụ tại quận 3, TP HCM vay vốn mua xe tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh TP HCM, trả góp trong 8 năm, cả gốc và lãi khoảng 8 triệu đồng/tháng.

“Trước khi dịch xảy ra, thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, thu nhập này đủ trả ngân hàng, chi tiêu cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập trung bình giảm  hơn 50%, và đầu tháng 3 đến giờ chỉ chạy được 4 triệu đồng”, anh Khôi chia sẻ và cho biết: “Doanh thu giảm sút, tâm lý  lo lắng vì phải liên tục tiếp xúc với nhiều người, nhưng tôi vẫn phải lao ra đường vì nghĩ đến khoản nợ ngân hàng vẫn đang treo ở đó”.

Trước những khó khăn này, anh Phương đã viết đơn trình bày mong ngân hàng xem xét giảm lãi, cơ cấu lại nợ, vì thu nhập trong mùa dịch này khó để đủ trả nợ ngân hàng.

Cần các chính sách hỗ trợ

Ông N.Q.H, giám đốc một công ty xuất khẩu đồ gỗ nội thất tại Bình Dương cho biết, trước đây trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu 100 container, nhưng từ đầu mùa dịch đến nay lượng xuất khẩu giảm dần, đến  tháng 3 này chỉ còn 30container. Chưa kể, nhiều đơn hàng đã ký nhưng hoãn lại, hiện nay công ty chỉ đang sản xuất một số đơn hàng cũ trước mùa dịch.

Ông H. cũng cho biết, hiện công ty cho công nhân làm cách ngày, thay nhau nghỉ, nhưng vẫn đảm bảo lương cơ bản cho người lao động, mặc dù doanh thu sụt giảm hơn 50%.

“Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng đến nay công ty vẫn chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ... vì hiện nay ngân hàng chỉ đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi nhưng đa phần dành cho các khoản vay mới”, ông H. nói.

Ông H. cho rằng, động thái của Ngân hàng Nhà nước gần đây sẽ giúp các ngân hàng có cơ sở để hạ lãi cho các khoản vay mới, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết các DN đều cố xoay sở để nuôi bộ máy, trả lãi cho các khoản vay trước đó, chứ chưa tính đến việc vay mới. Do đó, các gói hỗ trợ cho vay mới, với lãi suất thấp được nhiều ngân hàng tung ra thời gian qua không có nhiều tác dụng.

"Điều DN mong muốn là giảm lãi suất các khoản vay cũ, có thể qua hình thức gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông H. đề nghị.

Cũng vì dịch Covid-19, mới đây, các đối tác tại thị trường Mỹ và EU sẽ tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng, kể từ ngày 17/3. Thông tin này khiến các DN may mặc vừa phải xoay sở ổn định sản xuất vừa tìm giải pháp giữ chân người lao động.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cho biết, trong tình thế này, một số DN có điều kiện nguyên liệu phù hợp sẽ chuyển sang sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ TP chống dịch COVID-19. Một số khác thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân. Tuy nhiên, phương án này cũng khó thực hiện nếu thời gian đối tác Mỹ và EU ngừng nhận hàng kéo dài hơn 1 tháng như thông báo ban đầu.

Mặc dù vậy, vấn đề cấp bách nhất của DN dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động. Dù việc xuất khẩu bị đình trệ, DN giảm giờ làm nhưng vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân, một số DN lớn hiện có từ 5.000 - 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền của DN bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho. Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, không có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Nếu bây giờ DN cho công nhân nghỉ việc, hàng trăm nghìn con người làm gì vượt qua được khủng hoảng, và DN làm cách nào để tuyển được lao động khôi phục sản xuất.

Do đó, việc duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của DN mà còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Đó là vấn đề nhiều DN dệt may lo ngại. Trước thực tế đó, các DN dệt may đã đưa ra kiến nghị, Chính phủ nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ đã phê duyệt, đồng thời, xem xét việc cho phép sử dụng một phần các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ DN tiếp tục chi trả lương cho công nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và hệ thống ngân hàng cần triển khai nhanh các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà DN dùng trả lương cho công nhân trong các tháng tiếp theo, cho đến khi hoạt động sản xuất, thương mại quay lại quỹ đạo bình thường.

Ngoài ra, DN cũng mong muốn được giảm thuế hoặc hoãn đóng thuế thu nhập của năm 2019, sử dụng khoản tiền đó vào việc duy trì vận hành DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nghiêm Lan