Tại Việt Nam hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) đang bị đình đốn, nhiều người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm. Báo cáo nhanh tại một số tỉnh và thành phố cho thấy, tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp với quy mô lớn. Số người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tháng 2 vượt hơn 47.000 người, tăng 59% so với tháng 1 và tăng tới 70% so với cùng kỳ của năm 2019.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Trong đó, gần 15 triệu lao động làm việc trong các DN; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các DN thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.

Trong tháng 2, qua báo cáo nhanh của các DN thì có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN.

Trước tình hình này, Bộ LĐTB&XH vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 6 nhóm chính sách hỗ trợ.

Đối với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐTB&XH đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm DN: DN có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; DN bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19. Với đề xuất này, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này và 150.000 - 200.000 DN với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng.

“Quan điểm của Bộ LĐTB&XH là tạo điều kiện cho tất cả các DN, người lao động được tạm dừng đóng BHTN từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Đây là chủ trương rất lớn khi Việt Nam hiện có khoảng 10,4 triệu người tham gia BHTN. Như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỉ đồng”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đề xuất 100% DN và người lao động được tạm dừng đóng BHTN trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó DN và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Trong trường miễn đóng BHTN, đề xuất của Bộ LĐTB&XH hướng tới các DN và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất.

Với nhóm chính sách tín dụng đối với lao động và DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, Bộ LĐTB&XH đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị… Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở.

Với nhóm chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhằm giúp DN khó khăn do Covid-19, Bộ LĐTB&XH hướng tới việc hỗ trợ DN được vay tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngưng việc tạm thời. Qua đó giữ chân người lao động và tạo điều kiện để DN ổn định, phục hồi lại sản xuất và kinh doanh. Khi đó người lao động tiếp tục trở lại lao động bình thường.

Đối với vấn đề về tạm dừng đóng kinh phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đây là một vấn đề rất lớn và thời gian vừa qua các hiệp hội, các DN cũng đã đề xuất rất nhiều. “Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã trao đổi với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng kinh phí công đoàn cho các DN theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn”, đại diện Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Phương Anh