Còn tình trạng “dĩ hòa vi quý”

Theo ông Phạm Văn Hòa, thời gian qua việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều điểm mới, mở rộng dân chủ và sát thực tế hơn, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Tại Nghị quyết 26- NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII cũng chỉ rõ, đánh giá cán bộ vẫn là một khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể; không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

“Do còn nể nang, ngại va chạm nên việc đánh giá mức độ “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của cán bộ, công chức, viên chức đôi khi chưa thực chất, chưa thực sự phản ánh khách quan chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức”, ĐB Hòa nêu.

Thậm chí, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc đánh giá cán bộ mang tính “dĩ hòa vi quý” đã dẫn đến tâm lý an toàn của một số cán bộ, công chức, viên chức khi có được “tấm vé” biên chế trong bộ máy.

“Tâm lý “biên chế suốt đời” đã làm giảm nhiệt huyết, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, ảnh hưởng tới hoạt động của bộ máy”, ông Hòa nhấn mạnh.

Vị vậy, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, khi sửa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức tới đây phải nghiên cứu để có quy định cụ thể về tiêu chí theo tháng, theo quý để bảo đảm việc đánh giá cán bộ, công chức thực chất hơn, không phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết. Trên cơ sở đánh giá đó mới có đủ căn cứ để loại những người không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.

“Được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị chỉ là bước khởi đầu, nếu “anh” không nỗ lực vươn lên, không cố gắng trao đổi kiến thức để nâng cao năng lực, nghiệp vụ thì hoàn toàn có thể bị đưa ra khỏi bộ máy, nhường chỗ cho người có đủ trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức. Đây là giải pháp quan trọng để xóa bỏ tâm lý “biên chế suốt đời”, “có vào mà không có ra”.

Ông Hòa nói tiếp, cũng cần xóa bỏ tình trạng "làm việc cũng được, mà không làm chả sao". Bởi ngân sách Nhà nước, người dân không thể đóng thuế để nuôi cán bộ, công chức “ăn không ngồi rồi” như vậy.

Rõ trách nhiệm người đứng đầu

Đi vào tiêu chí đánh giá cán bộ, theo vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp, càng rõ, cụ thể thì càng tốt như tiêu chí về phẩm chất đạo đức, tiêu chí về thực hiện nhiệm vụ được giao; tiêu chí về tinh thần, thái độ đối với công việc… Cùng với đó, xác định các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, phân cấp cho người đứng đầu.

“Dựa trên những tiêu chí cụ thể này, từng cán bộ, công chức sẽ soi rọi vào đó để tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đánh giá của các cá nhân thì cơ quan, đơn vị xem xét việc đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức có thực sự bảo đảm hiệu quả trong thời gian qua hay chưa. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên cơ sở xem xét kết quả đó sẽ nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức”, ông Hòa góp ý.

Trong vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu. Theo ông, người đứng đầu phải trung thực, khách quan, gương mẫu, không được vị thân, vị kỷ, không được nghe theo những lời nịnh nọt khi nhận xét, đánh giá cán bộ.

“Khi trách nhiệm cá nhân người đứng đầu được quy định rõ trong luật sẽ khắc phục tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh cũng như lợi ích nhóm trong đánh giá cán bộ. Điều này sẽ giúp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, hiệu quả hơn”.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần theo hướng căn cứ vào đặc điểm ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn công tác để xây dựng các tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả đánh giá. Vì người đứng đầu nắm rất rõ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, cần sử dụng liên thông kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức giữa các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Thảo Nguyên