Để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 136 hộ dân tộc Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), năm 2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định 1422/QĐ-UBND giao 442,14ha diện tích rừng nghèo cho bà con trồng rừng kinh tế.

Nhưng khi triển khai thực tế vào năm 2017, người dân phát quang để trồng rừng thì đã phát hiện nhiều khu vực rừng có cây gỗ lớn, thuộc diện buộc phải thu hồi để bảo tồn, quản lý...

Đến nay, đã hơn 2 năm, 14 hộ dân được giao “nhầm” rừng vẫn chưa có đất sản xuất và đang mỏi mòn chờ các cơ quan chức năng xử lý, cấp lại đất để làm kinh tế.

Ông Bùi Văn Chữ là một trong số những hộ dân người Cơ Tu ở thôn Giàn Bí được thành phố Đà Nẵng giao đất trồng rừng kinh tế. Năm 2017, gia đình ông rất vui mừng khi được chính quyền giao 3ha đất rừng sản xuất theo chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Khi vào phát quang rừng để canh tác thì ông Chữ thấy diện tích rừng này có nhiều cây gỗ lớn chứ không phải là rừng nghèo. Cùng thời điểm đó, chính quyền địa phương đã đi đo đạc lại và thừa nhận khoảng 50ha đất rừng giao cho 14 hộ đồng bào ở đây đã bị "nhầm," buộc phải thu hồi.

Ý thức được việc bảo vệ rừng, ông và 13 hộ dân khác ở Tà Lang và Giàn Bí ngưng phát quang rừng và chờ đợi được cấp lại khoảnh mới. Vì không có rừng sản xuất, gần 3 năm qua, vợ chồng ông Chữ phải đi làm thuê khắp nơi để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

"Người Cơ Tu làm rừng quen rồi, giờ không có rừng thì không đủ ăn và chỉ mong sớm được cấp lại khu đất mới để sản xuất" - ông Chữ chia sẻ. 

Ông Đinh Văn Khèn - Phó trưởng thôn Giàn Bí cũng xác nhận, sau khi được giao đất thì có tới 12 hộ dân ở thôn Giàn Bí nhận được diện tích rừng có nhiều cây lớn, bị cấm khai thác. Các cây gỗ lớn có đường kính trên 20cm, có cây to bằng cả người ôm và độ tuổi cũng khoảng 30-40 năm.

Nhiều cây như Chò, Kiền Kiền là những loại cây thuộc loại quý hiếm nên cán bộ đã đi kiểm tra thực tế và không cho phát dọn thực bì.Từ đó đến giờ đã hơn 2 năm, để sinh sống, người dân phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh.

Việc giao “nhầm” đất rừng của các cơ quan chức năng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vì họ chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang, 14 hộ dân với 47,9ha rừng đã cấp bị phát hiện có cây gỗ lớn đến nay vẫn chưa tìm được diện tích rừng khác để cấp lại bởi quy trình khảo sát, giao rừng rất phức tạp, kỹ lưỡng.

Theo quy trình, huyện xây dựng Đề án giao rừng trình Ủy ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, Sở yêu cầu Chi cục Kiểm lâm thẩm định, quá trình thẩm định lại có sự kết hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và đại diện chính quyền địa phương.

Hiện diện tích rừng phát hiện có cây gỗ lớn đã được thu hồi lại, bàn giao cho xã quản lý để phát triển, tái sinh rừng.

Huyện Hòa Vang đã phối hợp với ngành kiểm lâm đi kiểm tra và đề xuất Khoảnh 4 hoặc Khoảnh 5, Tiểu khu 17 có diện tích gần tương đương với diện tích rừng đã thu hồi để giao thay thế.

Tuy nhiên, huyện vẫn đang chờ các cấp thành phố lựa chọn 1 trong 2 khoảnh này để làm thủ tục cấp lại cho các hộ dân.

Giải thích về việc quy trình kỹ lưỡng như vậy mà trước đây lại giao “nhầm” rừng có cây gỗ lớn, ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang cho hay, diện tích 47,9ha đó trên hiện trường và trên bản đồ là khu vực rừng sản xuất.

Nhưng qua thời gian lâu dài, một số cây lớn lên nên giờ phải khoanh vùng lại. Hơn nữa, vì tiểu khu đó khá xa nên việc thẩm định qua bản đồ và trên thực tế có hơi khác./.

Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)