“Nói giảm bao nhiêu tiền khi giảm ĐB HĐND thì rất thiển cận, đau lòng”

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, Chính phủ đề xuất, giảm từ 2 người xuống còn 1 người.

Đồng ý với một số nội dung trong dự thảo, song theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, việc sửa luật phải đánh giá toàn diện, khách quan, sát với thực tiễn và yêu cầu đề ra, tránh chủ quan, duy ý chí.

Theo bà Tâm, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND cũng có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương… Vì vậy, phải tổ chức HĐND các cấp như thế nào cho phù hợp, chứ không phải chỉ đưa ra mục tiêu giảm biên chế.

ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh đồng ý trong chừng mực nào đó cần xem xét giảm số lượng ĐB HĐND cho hợp lý, nhưng không nên chỉ nhìn vào việc, giảm một ĐB thì giảm bao nhiêu kinh phí.

“Mặc dù đồng tiền của dân, đóng thuế trong dân rất quan trọng, song để nói giảm bao nhiêu tiền khi giảm số lượng ĐB thì có gì đó rất thiển cận, đau lòng. Tại sao lại đưa ra cái nhìn như vậy? Điều quan trọng là phải đánh giá xem có làm đúng vai trò của người đại diện cho dân hay không? Với phó chủ tịch HĐND cũng vậy, phải đánh giá trên hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy đó để tính toán, chứ không phải vấn đề tiền, hay chỉ máy móc là vấn đề biên chế...”, bà Tâm nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị, cần xem xét trên tinh thần khách quan. “Đừng vì yếu tố nào đó mà chúng ta đánh mất đi vai trò, vị trí của cơ quan dân cử”.

“Công tác tổ chức bộ máy cần mang tính ổn định, bền vững. Do vậy, tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh cần cân nhắc”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Bình Phước) nói và bày tỏ quan điểm, “giữ nguyên vì luật mới thông qua, đi vào thực hiện hơn 3 năm”.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý, đi kèm với tinh giản biên chế, phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. “Giảm số lượng có làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy không? Phải đánh giá cho được hiệu quả hoạt động thế nào, giảm có hiệu quả khi giảm số lượng không?”, ĐB Tám nêu.

Biên chế “cào bằng” là không hợp lý, chưa thuyết phục

Trong khi đó, theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), việc giảm 1 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh phải cân nhắc thận trọng. ĐB cho rằng, phương án Chính phủ đưa ra là giảm “cào bằng” tất cả các địa phương, kể cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là không hợp lý, chưa thuyết phục.

“Nếu không xét thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến chúng ta phải sửa luật thường xuyên”, ĐB Hạnh cảnh báo.

Dẫn cả tờ trình lẫn báo cáo thẩm tra dự án luật, ĐB Hạnh cho biết, phương án của Chính phủ đã được Bộ Chính trị Khóa XII đồng ý, còn phương án mà cơ quan thẩm tra bảo vệ đã được Bộ Chính trị Khóa XI đồng ý.

“Cơ quan nào cũng có lý nhưng theo tôi, Bộ Chính trị chỉ cho ý kiến về mặt chủ trương, quan điểm còn lại, cách thức thì phải tổ chức thực hiện thế nào cho thật sự hiệu quả, bảo đảm hoạt động chất lượng mà không dừng lại ở việc tăng giảm biên chế cơ học”, ĐB Hạnh bày tỏ.

Nữ ĐB nói thêm, hiện chúng ta đang thí điểm thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Tỉnh ủy với Chủ tịch HĐND nên nếu giảm chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND sẽ khó khăn hơn trong việc bảo đảm hoạt động của HĐND nhất là ở TP lớn, tỉnh thành loại I.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt vấn đề, dù có chênh lệch về diện tích, dân số, quy mô kinh tế, bộ máy, biên chế vận hành nền hành chính không có sự khác biệt. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên, khi năng lực phát triển của các địa phương bắt đầu có sự bứt phá thì bộc lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập.

“Đặt trong yêu cầu xây dựng Nhà nước kiến tạo thì bộ máy Nhà nước ở các cấp chính quyền theo kiểu “mặc đồng phục” thực sự chưa giải phóng tiềm năng của từng địa phương, thậm chí ở một số nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại”, ông Nhân nói.

ĐB Nhân nêu thực tế, số lượng học sinh đầu cấp của Bình Dương luôn đông hơn 30.000 cháu. Lẽ ra thành lập trường mới, tăng học sinh, có thể bổ sung thêm biên chế giáo viên thì lại phải tinh giản theo lộ trình. Vì vậy, năm 2018-2019, cả tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên.
“Những ràng buộc biên chế đã làm cho sự nghiệp trồng người thời gian qua luôn trong tình trạng giật gấu, vá vai”, ĐB đoàn Bình Dương nhận định và cho rằng, quy định biên chế tối thiểu là cấp bách cho việc thực hiện lộ trình tinh giản biên chế nhưng không nên dựa vào lý do đó để “bó buộc” các địa phương có đặc thù.

Theo ĐB, việc đòi hỏi biên chế, bộ máy ở địa phương đã tự chủ về ngân sách phải khác so với mặt bằng chung không bao giờ nhằm mục đích phân định “chiếu trên và chiếu dưới”.

“Một khi đã gọi là hệ thống chính trị thì phải là những mắt xích chặt chẽ không thể tách rời bất cứ bộ phận nào. Nếu vẫn tư duy “chiếu trên, chiếu dưới” có lẽ nhìn vấn đề không ở khối chỉnh thể thống nhất, thiếu sự gắn kết giữa các địa phương và quan trọng là chưa vì lợi ích chung của xã hội lên đầu”, ĐB đoàn Bình Dương nói và đề nghị, dự luật cần phải tính toán, có chế định mạnh mẽ, thực chất việc phân cấp, phân quyền về biên chế với các địa phương đặc thù.

Thí điểm các mô hình mới không “chặt” sẽ gây ra hệ lụy nguy hiểm

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH đoàn Quảng Bình), Luật TCCP chỉ sửa 5 điều, tập trung 4 nội dung lớn, trong đó có 20 nội dung nhỏ liệt kê như quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập tổng cục, cục, vụ; số lượng biên chế tối thiểu…

Tuy nhiên, ông lưu ý, có nội dung trước đây đã được QH quy định thì nay được bãi bỏ để giao Chính phủ quy định. Cụ thể là, quy định số lượng cấp phó cấp vụ không được quá 3 người, tổng cục không quá 4 người.

“Như vậy số lượng cấp phó này không được khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và không rõ số lượng này có được tăng lên hay giảm đi. Trong khi đó, đây là nội dung QH Khóa XIII đã thảo luận kỹ nhằm khắc phục tình trạng quá nhiều cấp phó ở các cơ quan Trung ương. Việc bỏ quy định này cũng chưa được tổng kết, đánh giá trên thực tiễn”, ĐB đoàn Quảng Bình nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc xây dựng luật khung là “bước lùi” của dự thảo. “Có cử tri nói, có lẽ chẳng đâu như chúng ta, luật ban hành nhưng Chính phủ không ban hành nghị định thì luật sẽ chết ngay”, ông Cường nhấn mạnh, có lẽ quy định “văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể để khi có hiệu lực thi hành được ngay vẫn còn là ước mơ lâu dài”.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định thẩm quyền của Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp.

Theo ĐB Cường, việc thí điểm các mô hình mới là rất cần thiết. Nhưng cần xem xét, cân nhắc thẩm quyền quyết định và nội hàm của thí điểm. Vì, hiện có nhiều văn bản luật quy định tổ chức bộ máy của Chính phủ, bộ, cơ quan thuộc bộ. Ví dụ, Luật Cạnh tranh có quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công thương. Luật Chứng khoán quy định Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính… 

“Trường hợp Chính phủ thí điểm thay đổi tổ chức bộ máy các cơ quan trên thì có được không? Có xin ý kiến QH trước khi thí điểm hay không? Đây là vấn đề liên quan đến thẩm quyền của QH - cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân; liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật và liên quan đến cả quyền, lợi ích của nhân dân. Cho nên, nếu không làm chặt chẽ thì vô hiệu hóa luật và gây ra những hệ lụy nguy hiểm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm.

Còn ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, thí điểm mô hình mới là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay, một số địa phương đã thực hiện sáp nhập một số đơn vị trên địa bàn thành mô hình hoạt động mới, tuy nhiên, cần phải đảm bảo vận thành theo đúng quy định của pháp luật.

Hương Giang