Có thêm 228.000 người tham gia BHXH tự nguyện

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các cấp đã chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHXH.

“Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đã có bước tiến bộ và đổi mới thông qua việc tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, các đại lý BHXH, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Từ đó, thu hút được sự quan tâm của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội và dần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 9, đã có 14,85 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Đáng chú ý, năm 2018 đã phát triển được 270.779 người tham gia BHXH tự nguyện (bằng 1,21 lần của cả giai đoạn 10 năm từ 2008 đến 2017), nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay khoảng 495.000 người (vượt mục tiêu hết năm 2019 đạt 450.000 người tham gia).

“Cuối 2018, chúng ta tuyên bố sẽ phát triển bằng được thêm 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019, nhưng đến nay đã đạt thêm 228.000 người, vượt mức đặt ra và khả năng còn cao hơn”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin và cho hay kinh nghiệm để đạt được điều này là phải tăng cường các giải pháp. Trong đó, quan trọng là giao chỉ tiêu cho địa phương; 3 ngành: Lao động, bảo hiểm, bưu điện phải gắn bó chặt chẽ, xuống tận thôn thuyết phục thì người dân sẽ tham gia.

 

23.285 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian tham gia BHXH

BHXH Việt Nam cho hay, công tác thanh tra liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT thời gian qua cũng được chú trọng. Tính đến tháng 9, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 18.078 đơn vị.

Qua thanh tra chuyên ngành phát hiện, 23.285 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền truy đóng là 91.914 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 25.990 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng do đóng thiếu mức quy định là 45.196 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã ban hành 609 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt phải thu là 27.963 triệu đồng.

Kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, ngành BHXH đã thu hồi về Quỹ BHXH 6.567 triệu đồng; thu hồi về Quỹ BHTN: 2.222 triệu đồng; thu hồi về Quỹ BHYT: 57.403 triệu đồng.

Cơ quan BHXH đã chi BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) luỹ kế đến hết tháng 9 là 232.741 tỷ đồng, đạt 70,08% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 31.982 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 118.460 tỷ đồng…

 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, nợ BHXH bắt buộc đã giảm đáng kể, song vẫn cao. Chỉ tính năm 2018, số nợ phải tính lãi còn hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đến 67%. Số người hưởng chế độ BHXH một lần có xu hướng gia tăng đều, ảnh hưởng khá lớn đến kết quả phát triển đối tượng. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn vướng mắc, nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách.

Đề xuất ký hợp đồng với cục thuế để thu BHXH

Trong khi đó, “tỷ trọng doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Quy mô lao động của doanh nghiệp có xu hướng giảm dần dẫn đến số đối tượng tham gia BHXH bình quân trong một doanh nghiệp cũng giảm dần”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, hiện nay, cả nước có 610.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng mới đang quản lý thu BHXH được 327.000 doanh nghiệp, nghĩa là, còn 283.000 doanh nghiệp chưa đóng BHXH cho người lao động.

Theo Bộ trưởng, cần chuyển toàn bộ danh sách những doanh nghiệp sang cục thuế để phối hợp thu vì thu được thuế thì sẽ thu được bảo hiểm. “Có thể ký hợp đồng với các cục thuế, cần thiết thì hỗ trợ chi phí. Vì thuế không thể trốn được. Thu thuế được thì thu được bảo hiểm”, ông Đào Ngọc Dung đề xuất và cho rằng, cần phải tập trung xử lý nếu không sẽ ngày càng khó khăn và chồng chất chuyện nợ BHXH.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng do doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Theo ông Lợi, cần sớm nghiên cứu có đề xuất phù hợp để xử lý tiền BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ của các loại doanh nghiệp này. “Nếu không sớm giải quyết thì hàng nghìn người lao động sẽ rất khó khăn vì họ không có lương hưu và cũng không chốt được sổ để tham gia BHXH mới”, ông Lợi nói.

Trước điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐTB&XH sẽ mời các cơ quan chức năng để bàn thêm về cách thức xử lý. Nếu xử lý được và Quốc hội có thể ra nghị quyết thì Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ có báo cáo, làm rõ và đề nghị Quốc hội ra nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 này.

Trần Kiên