Trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch và căn cứ tình hình tiêm chủng vaccine của cả nước, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã khẳng định bước phát triển về nhận thức, ứng phó trước đại dịch Covid-19, từ loại bỏ dịch đến thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát dịch hiệu quả trong tình hình mới.

Theo đó, quan điểm của Chính phủ tại nghị quyết này đã nhấn mạnh tới việc thực hiện mục tiêu kép; trong đó, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trước hết, đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để chống chịu với đại dịch Covid-19 trong suốt quãng thời gian khó khăn vừa qua, phải kể đến phương pháp chống dịch của Chính phủ đang đi đúng hướng, đang khởi động lại quá trình mở cửa nền kinh tế nhưng thận trọng, góp phần tạo niềm tin để doanh nghiệp tích cực phục hồi mạnh hơn.

Ông Trần Đình Thiên nêu giải pháp để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ; cần có những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính, miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ...

TS Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, nhằm đảm bảo sự vững vàng của cả ba trụ cột y tế, kinh tế và xã hội.

Theo đó, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của doanh nghiệp trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin, sự chủ động cho các doanh nghiệp trong ứng phó dịch bệnh. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và quyết liệt thực hiện.

Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện, ban hành quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để doanh nghiệp trên cả nước có căn cứ xây dựng phương án tổ chức sản xuất cũng như phòng, chống dịch phù hợp, ông Hoàng Quang Phòng nêu rõ.

TSKH Võ Đại Lược, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân đều chịu tác động mạnh, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2021 đã có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị tường; 85.500 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Nhóm này chiếm 10% GDP và chịu tác động nặng nề nhất từ đợt dịch lần thứ tư này.

Trong điều kiện nguồn lực của Chính phủ có hạn, ông Võ Đại Lược cho rằng, nếu gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đổi mới tư duy, giải phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam khỏi các rào cản thì có thể các doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn. Bên cạnh đó, những hạn chế về logistics, về tiếp thu ứng dụng công nghệ mới cũng như chính sách về vấn đề đất đai... cần được Chính phủ quan tâm hơn nữa.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện bình thường mới, cần chấp nhận việc làm khác bình thường, tuân thủ có điều chỉnh ít nhiều như Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ, Luật Quy hoạch... Do đó, Chính phủ cần lên phương án cụ thể và báo cáo Quốc hội để có quyết sách nhanh nhất trong kỳ họp này, kỳ họp diễn ra từ 20/10/2021.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhận định đây là những ý kiến có chất lượng cao, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, có tính thời sự trong bối cảnh bình thường mới do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là trong thời điểm Quốc hội Khóa XV chuẩn bị họp kỳ họp thứ 2 để bàn về những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo ông Lê Tiến Châu, giải pháp đưa ra để duy trì được sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ, nắm bắt thời cơ để thực hiện đột phá về thể chế; loại bỏ những quy định là rào cản, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai những chính sách tạo tiền đề cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị và hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thanh Thanh