Đây là kết quả của nỗ lực từ nhiều bên, nỗ lực của doanh nghiệp khi cam kết về chất lượng và quyết tâm mang đặc sản Việt Nam đến với thị trường Pháp, nỗ lực của các hợp tác xã và đơn vị sản xuất khi luôn đồng hành và tuân thủ đúng kỹ thuật và chỉ dẫn canh tác, đặc biệt, đây cũng là kết quả của hoạt động chắp mối kinh doanh do Cục XTTM và Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục XTTM được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3/2021 cho các sản phẩm rau củ quả và trái cây từ các tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tem truy xuất có thể hiện thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu. Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản.

Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp cũng thông qua đường hàng không. Thực tế, tổng quy mô thị trường nhập khẩu vải của châu Âu được ước tính vào khoảng 20.000 đến 25.000 tấn hàng năm. Số liệu cũng cho thấy tiềm năng cho trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp là rất lớn.

Tem truy xuất nguồn gốc với ngôn ngữ hiển thị là tiếng Pháp, giúp cho người tiêu dùng bản địa có thể dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm và tìm hiểu về nguồn gốc và các thông tin liên quan.

Liên quan đến hoạt động nâng cao năng lực về truy xuất nguồn gốc, Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, để nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các hợp tác xã, các hộ canh tác, ngoài các hoạt động đào tạo trực tiếp, Cục XTTM đã phát triển bộ giáo trình điện tử về truy xuất nguồn gốc và sẽ tiến hành giảng dạy, hướng dẫn và tư vấn thông qua hình thức trực tuyến (học online) trên nền tảng của Cục bắt đầu từ tháng 8/2021. Bên cạnh đó, hiển thị thông tin sản phẩm theo ngôn ngữ của thị trường nhập khẩu cũng góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Cũng theo ông Phú, xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, luôn là điều mà bất cứ doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia hướng đến. Ngoài những yếu tố về chất lượng, công năng, thị hiếu thì việc ghi dấu ấn về hình ảnh và thương hiệu sản phẩm bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm cho đến khi đến tay khách hàng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tem truy xuất nguồn gốc được dán trên sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) xuất  khẩu đi Pháp. Ảnh: MT 

Trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, Cục XTTM đã nghiên cứu những phương thức và công cụ để hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại hiệu quả. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cục XTTM đã thực hiện các nghiên cứu và xây dựng các bộ quy trình áp dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống truy xuất - xúc tiến thương mại (iTrace247) đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, áp dụng cho các sản phẩm nông sản từ tháng 3/2021.

Phát triển bộ quy trình truy xuất nguồn gốc của Cục XTTM ngoài việc đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ người tiêu dùng tới người nuôi trồng còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.

Với thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khách hàng có thể xác thực mọi thông tin về sản phẩm chỉ với thao tác quét mã QR. Khi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng sẽ có dịp trải nghiệm câu truyện trọn vẹn về sản phẩm, hơn thế, những thông tin liên quan về vùng đất, con người, văn hoá là những giá trị dần in sâu vào tiềm thức, mang đến hình ảnh về hành trình của sản phẩm. Khi sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không chỉ đơn thuần là được đáp ứng nhu cầu mà họ được trải nghiệm những giá trị khác của sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp cung ứng hay những nhà sản xuất sản phẩm, ngoài việc hạn chế hàng giả, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, việc truy xuất nguồn gốc giúp khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Đối với công tác xuất khẩu và xây dựng hình ảnh quốc gia, những sản phẩm có giá trị, đáp ứng thị hiếu khách hàng, có thông tin đầy đủ và minh bạch sẽ có vai trò là những đại sứ hình ảnh của quốc gia. Người tiêu dùng từ việc ưa thích sản phẩm, sẽ tìm hiểu thêm thông tin về văn hoá, con người và hỗ trợ lan toả những giá trị khác cho sản phẩm và quốc gia.

Lê Phương