Theo các thỏa thuận này, tỉnh Phú Yên sẽ hợp tác với Tập đoàn Kiyomura để phát triển thủy sản và hợp tác với Công ty Cổ phần eREX để phát triển vùng nguyên liệu trồng cây cao lương và đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu từ cây cao lương tại tỉnh.

Ông Luân cho biết, Nhật Bản là một trong những nước có công nghệ khai thác, chế biến cá ngừ rất hiện đại. Việc hợp tác này sẽ mở ra cơ hội cho nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho ngư dân nhờ ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường trong khai thác thủy hải sản.

Thực tế, Nhật Bản là nước có trình độ kỹ thuật rất cao về khai thác, thu hoạch và xử lý cá ngừ đại dương để đảm bảo làm sao chất lượng cá ngừ được tốt nhất. Họ sở hữu những công nghệ tiên tiến để cá ngừ từ lúc khai thác đến khi đưa vào xử lý, làm lạnh mà vẫn giữa nguyên được chất lượng, giá trị dinh dưỡng của cá ngừ không thay đổi.

“Ngoài ra, nếu có sự hợp tác với Nhật Bản, chúng ta có thể phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương để phục vụ nhu cầu cao của thị trường Nhật Bản thị trường cao cấp khác”, ông Luân nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Những con cá ngừ đại dương chất lượng loại A có mức giá rất cao. Ảnh: internet

Cũng theo ông Luân, nếu có sự hợp tác về công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến của Nhật Bản, giá trị của con cá ngừ đại dương của Phú Yên sẽ được nâng lên. Những con cá ngừ đại dương đạt chất lượng loại A có mức giá khác và khi xuất khẩu sang Nhật Bản cũng có giá rất cao. Thực tế, đã có những con cá ngừ vây xanh của Bình Định được bán sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần ở Việt Nam.

Nhật Bản có tiêu chuẩn rất riêng với các sản phẩm nhập khẩu. Không phải sản phẩm nào cũng có thể xuất khẩu sang Nhật Bản mà để xuất khẩu sang Nhật họ phải đầu tư dây chuyền chế biến riêng. Với cá ngừ đại dương cũng vậy, sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam rất tốt, nhiều triển vọng nhưng quy trình, kỹ thuật khai thác, bảo quản còn hạn chế. 

Do vậy, nếu có sự hợp tác về công nghệ khai thác, bảo quản với Nhật Bản, chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển các chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến cá ngừ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng số lượng sản phẩm loại A để bà con bán với giá cao hơn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 521 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nếu như năm 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019 thì 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản giảm nhẹ do tác động của dịch Covid-19. 

Lê Phương