Quảng Ninh là tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,4 điểm, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Cải thiện 8/10 lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường bởi PCI, điểm số PCI tổng hợp của Quảng Ninh năm 2019 tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay.

Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,1 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018.

Đồng Tháp là địa phương rất nỗ lực xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, mô hình café doanh nhân từ Đồng Tháp được biết tiếng nhiều năm nay giờ đã phổ biến ra hàng chục tỉnh, thành phố khác. Đồng Tháp năm thứ 2 liên tiếp được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng khi kết quả điều tra PCI 2019 cho thấy các doanh nghiệp dân doanh đánh giá mức độ bình đẳng trong kinh doanh tại Đồng Tháp luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

leftcenterrightdel
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên buổi công bố được tổ chức trực tuyến. Ảnh: TQ 

Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương (điểm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,01 điểm) và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 0,99 điểm).

Ngoài ra, nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh (70,79 điểm, vị trí thứ 4) và TP Hải Phòng (68,73 điểm, vị trí thứ 10), cùng với các tỉnh, thành phố khác bao gồm Đà Nẵng (70,15 điểm), Quảng Nam (69,42 điểm), Bến Tre (69,34 điểm), Long An (68,82 điểm) và Hà Nội (68,80 điểm).

Nhóm cuối trong PCI 2019 là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang và Bắc Kạn. Điều tra PCI 2019 tiếp tục ghi nhận sự cải thiện nhanh chóng về điểm số của những tỉnh trong nhóm cuối bảng xếp hạng so với năm 2018. Nếu những tỉnh này tiếp tục duy trì tốc độ cải thiện như 2 năm vừa qua, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng PCI vào năm tới.

Đây là năm thứ 15 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam. 

Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Điều tra PCI có thể xem là cuộc điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm. 

leftcenterrightdel
 Bang xếp hạng tổng thể 63 tỉnh, thành. Ảnh: TQ

Bên cạnh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố như thường lệ, báo cáo PCI 2019 còn đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như cải cách thủ tục hành chính, mức độ minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải…

Báo cáo PCI cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, vấn đề thanh, kiểm tra và gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

TQ