Nỗ lực để giữ vững nhịp tăng trưởng

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, thời gian qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta. Ngành Nông nghiệp cũng như nhiều ngành khác đã gặp không ít khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các giai đoạn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Thêm vào là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.

Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp vẫn đạt thậm chí vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020...

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Trường Sơn cho biết, bên cạnh những nỗ lực để giữ vững nhịp tăng trưởng, để hỗ trợ hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ Công tác phía Nam (Tổ Công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thành Nam làm Tổ trưởng và Tổ Công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Tổ trưởng.

Hai tổ công tác đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại các buổi tọa đàm về nông nghiệp và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Nông nghiệp trong đại dịch thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vui mừng cho biết khi trong đại dịch Covid -19, ngành Nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.

Có sự đóng góp không nhỏ của thanh tra

Bên cạnh những khó khăn chung của toàn ngành, công tác thanh tra ngành Nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù vậy, Thanh tra Bộ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, từng bước vượt qua các khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2021.

leftcenterrightdel
Cán bộ thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra vườn ươm cây giống của Trung tâm Giống cây nguyên liệu giấy An Hòa. Ảnh: T. Quang

Chia sẻ về kết thực hiện trong năm 2021, ông Sơn cho biết, trước thực trạng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đoàn thanh tra vừa triển khai đã phải dừng hoạt động thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, một số cuộc thanh tra không thực hiện được hoặc phải điều chuyển sang năm 2022.

Thanh tra Bộ đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2021 và các cuộc thanh tra đột xuất đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ đã chủ động phối hợp, nắm bắt thông tin, chuyển tin báo đề nghị sở NN&PTNT các địa phương tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ Bộ giao. Đồng thời, phối hợp với các tổng cục, cục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2021 đảm bảo không chồng chéo với nội dung của Thanh tra Chính phủ và phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Thanh tra Bộ đã trình Bộ ban hành Quyết định số 3455/QĐ-BNN-TTr ngày 3/8/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó điều chỉnh giảm 5/11 cuộc và bổ sung 1 cuộc thanh tra trong kế hoạch thanh tra năm 2021 của Thanh tra Bộ và giảm 19/24 cuộc thanh tra trong Kế hoạch thanh tra năm 2021 của các tổng cục, cục.

Tăng cường đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung tại kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, của Bộ; tham mưu Bộ xây dựng các báo cáo thực hiện các nội dung kiến nghị tại các kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến trách nhiệm của Bộ NN&PTNT.

Hướng dẫn các tổng cục, cục thuộc Bộ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021 của các tổng cục, cục; tích cực hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về việc thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành tại các tổng cục, cục thuộc Bộ và thanh tra sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố.

Tham mưu, xây dựng và trình Bộ ban hành kế hoạch thanh tra năm 2022 đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các báo cáo về công tác thanh tra của Bộ gửi Thanh tra Chính phủ, các cơ quan Trung ương theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, kịp thời.

Có thể nói, 2021 là năm Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19, song ngành Nông nghiệp vẫn được nhắc đến như một trụ đỡ vững chắc khi nền kinh tế chao đảo. Và, thanh tra ngành Nông nghiệp cũng không ngoại lệ khi góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn ngành.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Hiếu