Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Vũ Bá Phú, các ngành công nghiệp trong lĩnh vực thời trang, gồm dệt may, da giày, túi xách, của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Ngành dệt may Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ), trong khi ngành giày da cũng đứng trong top những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

“Các sản phẩm thời trang “made in Vietnam” có chất lượng và uy tín, có thể đáp ứng đa dạng các quy mô đơn hàng từ nhỏ đến lớn với số lượng linh hoạt, được bạn hàng từ hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ tin tưởng hợp tác”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, với việc kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. 

Bên cạnh đó là sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mới đây, nhiều lĩnh vực sản xuất sản phẩm thời trang của Việt Nam đang thu hút thêm các dòng vốn ngoại từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Đức… 

Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, nâng cao năng lực cung ứng cho thị trường thế giới.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos Muda Yusuf cho biết, Nigieria không chỉ là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam mà còn là cầu nối đưa hàng Việt Nam sang các nước Châu Phi rộng lớn. Hàng hóa của Việt Nam phù hợp với nhu cầu tiêu dùng tại khu vực này.

“Tuy nhiên để khai thác được nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ, các bên cần ngồi lại với nhau và phân tích, tìm ra nguyên nhân tại sao doanh nghiệp này làm ăn được thành công và tại sao doanh nghiệp kia lại thất bại để có hướng đi phù hợp?”, ông Muda Yusuf đề nghị.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, Cục XTTM cam kết luôn ủng hộ, nỗ lực làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp hai nước tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả.

Đồng thời bày tỏ mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos sẽ tiếp tục cộng tác, phối hợp chặt chẽ với Cục thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu, hợp tác thương mại và đầu tư sang nhau.

Tham dự hội nghị, tại các phiên giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới đối tác đa dạng sản phẩm thời trang có chất lượng tốt, gồm: Giày dép, ba lô, túi xách, thắt lưng, dây đồng hồ, mũ, ô, quần áo, găng tay, khẩu trang, áo choàng cách ly, tã lót, sản phẩm vệ sinh, các phụ kiện thời trang như bông tai, vòng cổ, đồ trang trí, quà tặng... phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nigeria. 

Nhiều doanh nghiệp Nigeria bày tỏ mối quan tâm sâu tới các sản phẩm của Việt Nam và đã trao đổi chi tiết về chất liệu, mẫu mã, thủ tục đặt hàng, giao nhận sản phẩm…