Theo Bộ NN&PTNT, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chung sức, sáng tạo, vượt khó của bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, kết quả sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75%, GDP tăng 2,65% và kim ngạch xuất khẩu là 41,2 tỷ USD tăng 2,6% so với năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN & PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điều nhân đạt 152 nghìn tấn và 894 triệu USD, tăng 8,6% về khối lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. 

Cũng theo Bộ NN & PTNT, với đặc thù nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ hoặc đang chuẩn bị vào mua thu hoạch rộ một số nông sản như vải, nhãn ở miền Bắc hay thanh long ở Nam Trung Bộ, trong khi, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới, với tinh thần không được phép chủ quan, kịp thời đánh giá, tổng kết những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đưa ra các giải pháp hiệu quả trong những bối cảnh mới, Bộ NN & PTNT đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện có nhiều vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19 hiện nay như hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn; áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn; hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, đặc biệt là khu vực ĐBSCL; thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào và cuối cùng là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần được kết nối chặt chẽ hơn.

Sản lượng vải thiều năm 2021 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt 250.000 tấn; thời gian thu hoạch trà vải sớm từ đầu tháng 5 đến ngày 10/6, trà chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7/2021. Sản lượng vải thiều tiêu thụ qua xuất khẩu chiếm khoảng 50% và tập trung chủ yếu xuất quả tươi sang thị trường Trung Quốc. 

Còn theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phạm Văn Trinh, để giảm áp lực lưu thông hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chuyển sang hình thức chính ngạch để tiêu thụ thuận lợi.

Đưa ra những giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước hết ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao thông tin đến Đại sứ quán ở các nước về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới về chính sách nhập khẩu để chủ động xuất khẩu nông sản, thích ứng diễn biến dịch Covid-19.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc, đề nghị phối hợp, hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại, tránh ứ đọng hàng hóa.

Lê Phương