Diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 từ cuối tháng 4/2021 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không những vậy, còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất. Bộ Công thương được ghi nhận là đơn vị đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến được vận dụng trong thực hiện mục tiêu kép.

Trong đó phải kể đến việc Bộ Công thương có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, tại hệ thống phân phối, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng; đồng thời khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm bán bổ sung thay thế các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa do dịch bệnh…

Ông Long cũng cho biết, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm cung cầu, lưu thông hàng hóa... trên cả nước, nhất là tại các tỉnh, thành phía Nam; chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai một số nội dung như tăng dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; tăng cường các điểm bán hàng lưu động; chủ động và tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố phía Nam đang có nhu cầu; tạo điều kiện đảm bảo cho hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt, không bị ách tắc; nghiên cứu mở lại các chợ truyền thống nếu đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid - 19 (như bố trí các tiểu thương ngồi giãn cách để phục vụ người dân mua hàng); ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid - 19 cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu…

Nhìn chung, đến nay thị trường các địa phương đã dần ổn định, hàng hóa đầy đủ, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá đột biến. Công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại các địa phương trên cả nước được triển khai, chuẩn bị sẵn sàng theo các phương án tương ứng với các kịch bản ở mọi cấp độ và diễn biến của dịch bệnh.

Cùng với đó là việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128, quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện thuận lợi. Nhờ vậy, các doanh nghiệp cũng tranh thủ tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại 2021.

Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với điều kiện khá thuận lợi đang trở lại trạng thái bình thường mới, đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm không để kinh tế năm 2021 tăng trưởng âm.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản đề nghị UBND và sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động triển khai các giải pháp ổn định sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đồng thời rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Y tế thường xuyên cập nhật và tổ chức các chương trình tập huấn hướng dẫn 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.

Tổ chức nhiều buổi làm việc với các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực để thường xuyên nắm bắt tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất cũng như lắng nghe các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết hoặc phối hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thích ứng với đại dịch Covid.

leftcenterrightdel
 Tập thể Thanh tra Bộ Công thương. Ảnh:CT

Về công tác thanh tra, ông Long cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1391/QĐ-BCT ngày 13/5/2021 về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2021. Bổ sung 4 cuộc thanh tra; đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra 24 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Tiếp đó, ngày 23/8/2021, Bộ Công thương ban hành tiếp Quyết định số 1998/QĐ-BCT về việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra lần 2, đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra 128 cuộc thanh tra chuyên ngành, điều chỉnh thời gian 29 cuộc.

9 tháng đầu năm đã triển khai 1 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch và đã ban hành kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện việc hạch toán doanh thu, chi phí và các khoản phải trả chưa đúng quy định với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 114,4 triệu đồng. Kiến nghị nộp ngân sách số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 114,4 triệu đồng.

Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến nội dung thanh tra; kiến nghị đối với đơn vị được thanh tra xây dựng mới một số quy chế; sửa đổi, bổ sung một số nội quy, quy chế hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán, văn hóa công sở, quản lý tài sản, vật tư, hàng hóa …

Triển khai 128 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương (kinh doanh xăng dầu, hóa chất, khí; kinh doanh thực phẩm, đồ uống, rượu, bia, thuốc lá ; kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế; kinh doanh mỹ phẩm; kinh doanh mỹ phẩm…..). Ban hành kết luận 102 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện 60 tổ chức, cá nhân có vi phạm. Đã ban hành 55 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt vi phạm hơn 2,1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Long, trong công tác quản lý của Bộ, công tác thanh tra đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Kiến nghị các hình thức xử lý tương ứng với các mức độ vi phạm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã trở thành động lực thúc đẩy mỗi cá nhân, đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra

“Năm 2021, là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của toàn ngành công thương nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Tuy nhiên, công chức thanh tra ngành Công thương khắc phục khó khăn hoàn thành tốt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được giao, các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết theo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật không để tồn động kéo dài”, ông Long khẳng định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Hiếu