Fitch Ratings và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố mức xếp hạng tín nhiệm cho EVNNPC là nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) ở mức 'BB' với triển vọng ổn định vào tháng 1/2020.

Tại buổi họp trực tuyến, các thành viên trong Ban Tổng giám đốc EVNNPC đã tập trung vào các thế mạnh nổi bật, hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính kinh doanh của Tổng công ty năm 2021. 

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mai Dũng

Đề cập đến những kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh của EVNNPC, Ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, vừa qua, Tổng công ty đã ứng phó tốt với ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid - 19. Mặc dù mức tăng trưởng 6,76%, thấp hơn tăng trưởng bình quân hàng năm tuy nhiên vẫn đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 5 Tổng công ty phân phối trực thuộc EVN. Điện thương phẩm năm 2021 ước đạt 81,5 tỷ kWh, tăng 8,86%. Doanh thu tiền điện ước đạt 144.662,5 tỷ đồng, tăng 12,34% so với năm 2020. Năm 2021, EVNNPC thực hiện giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo quy định của Nhà nước (khoảng 250 ÷ 265 tỷ đồng).

EVNNPC là Tổng công ty Điện lực lớn nhất Việt Nam và có lịch sử lâu đời nhất trong 5 Tổng công ty Điện lực. EVNNPC được thành lập trước khi công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) được thành lập, phục vụ lượng khách hàng lớn nhất, bao gồm gần 11 triệu khách hàng, chiếm gần 40% thị phần Việt Nam. Năm 2020 mặc dù có ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng doanh thu của EVNNPC vẫn đạt mức khoảng 130,5 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2019-2021 là 149%. 


“Mức cải thiện tổn thất điện năng của EVNNPC tốt nhất trong 5 Tổng công ty. Tổn thất điện năng vẫn đang trong xu hướng giảm đạt mục tiêu của EVN đề ra, năm 2021 ở mức 4,64% và đến năm 2025 dự kiến mức tổn thất điện năng của EVNNPC đạt 4.0%” - Ông Nguyễn Đức Thiện cho biết.

Fitch Ratings đã đặt câu hỏi trực tiếp và cùng EVNNPC phân tích nhiều vấn đề cụ thể như chiến lược phát triển của EVNNPC, những thách thức của Tổng công ty, tình hình phát triển thị trường điện, vai trò của EVNNPC trong chính sách năng lượng, biểu giá điện của Chính phủ và vấn đề tổn thất điện năng, giá bán buôn nội bộ; nhu đầu tư xây dựng cơ bản; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ do ảnh hưởng bởi Covid-19...

leftcenterrightdel
 Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC trao đổi với các đại diện Fitch Ratings. Ảnh: Mai Dũng

Trước câu hỏi đánh giá nhu cầu đầu tư trong 5 năm tới của EVNNPC, Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC thẳng thắn bày tỏ: "Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc vẫn tăng cao khoảng 30% so với năm 2020, đứng đầu trong 5 Tổng công ty phân phối, trong khi toàn EVN chỉ tăng 3%. Chính vì vậy, EVNNPC sẽ tập trung chú trọng vào đầu tư các đường dây và TBA, công trình điện trong các năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu phụ tải, nâng cao độ tin cậy lưới điện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời..."

Theo đánh giá và dự thảo mới nhất của Viện Năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII đã được đánh giá là tương đối khả quan (nguồn năng lượng sơ cấp duy trì khoảng 15-20% đến năm 2030 và khoảng 25-30% năm 2045), đảm bảo dung hòa phát triển các nguồn năng lượng trong toàn quốc, cân bằng nguồn điện và phụ tải. Khu vực miền Bắc sẽ đảm bảo đủ nguồn điện cấp điện cho các phụ tải, do đó không ảnh hưởng đến tình hình SXKD và tài chính của EVNNPC.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC cho biết thêm: “Ước lợi nhuận trên vốn chủ năm 2021 của EVNNPC là 0,17% cao hơn so với năm 2020. Hàng năm, Tổng công ty luôn phấn đấu đạt lợi nhuận cao hơn lợi nhuận kế hoạch EVN giao. Covid-19 làm ảnh hưởng đến thương phẩm và doanh thu bán điện, tuy nhiên Tổng công ty luôn nỗ lực cắt giảm chi phí để bù đắp doanh thu sụt giảm nên vẫn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch giao”.

Khu vực kinh doanh của EVNNPC bao gồm các vùng quan trọng nhất của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện nhanh nhất. Hoạt động kinh doanh của EVNNPC cung cấp điện cho 27 tỉnh, thành phố miền Bắc. Cùng với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn và đáng tin cậy, EVNNPC còn hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn trong việc huy động vốn, tiếp tục tiếp cận thị trường vốn trong nước cũng như mở rộng ra thị trường quốc tế để huy động vốn cho các dự án trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19…

Kim Ngân