Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, 9 tháng năm 2022, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Về chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, nhờ cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi và phát triển trở lại.

Giá trị sản xuất 9 tháng tăng khoảng 5,35% với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm trước.

Còn theo Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích trồng rừng từ đầu năm đến nay đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,18%; sản lượng củi 13,9 triệu ste, tăng 0,36%. Chín tháng, cả nước thu 2.471 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 82,4% kế hoạch, tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP ngành lâm nghiệp đạt tới 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt được mục tiêu cả năm 2022 (tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 55 tỷ USD - cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD), ngành Nông nghiệp chỉ đạo nhiều giải pháp trong quý cuối năm. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh.

Bộ cũng đã hướng dẫn, định hướng các địa phương (nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản) có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Cùng với đó, phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm trong mọi tình huống; tổ chức tốt việc mua, bán, dự trữ lương thực tại các địa phương.

 

Phương Hiếu