Ngày 30/11/2021, Lễ trao giải thưởng Kiếm soát Môi trường Châu Á đã được diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 240 đại biểu đến từ 38 quốc gia và các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Ban Thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), mạng lưới kiểm soát động thực vật hoang dã bao gồm đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường liên khu vực Châu Á và Châu Phi.

Giải thưởng Kiếm soát Môi trường Châu Á nhằm công nhận và biểu dương sự xuất sắc trong việc thực thi của các quan chức chính phủ, các tổ chức hoặc đội chống tội phạm môi trường xuyên biên giới: buôn bán trái phép động vật hoang dã, buôn bán bất hợp pháp hóa chất hoặc chất thải nguy hại.

Đây là giải thưởng thường niên và là lần thứ sáu được tổ chức. Giải thưởng năm nay được lựa chọn, trao cho những cá nhân và tổ chức thể hiện sự xuất sắc ở một trong 03 hạng mục sau: (1) Hợp tác; (2) Đổi mới và (3)Lãnh đạo.

Giải thưởng Kiếm soát Môi trường Châu Á được quyết định bởi một Ủy ban đánh giá quốc tế bao gồm các chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Ban Thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) 

Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam, Cục Kiểm soát – Hải quan Thái Lan và Cục Chống buôn lậu – Hải quan Hoàng Phố (Trung Quốc) được lựa chọn đồng chiến thắng giải thưởng trong hạng mục Hợp tác.

Việc lựa chọn trên được dựa trên sự thành công về hợp tác của 03 đơn vị chống buôn lậu nêu trên trong cơ chế hoạt động của Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn III (Chiến dịch do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc phối hợp đồng sáng kiến và triển khai được 03 giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 với phạm vi toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) với các kết quả tích cực trong đấu tranh phòng chống buôn bán vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã.

Các đơn vị đã chia sẻ thông tin để phát hiện bắt giữ các lô hàng gỗ Trắc thuộc danh mục CITES vận chuyển bất hợp pháp qua nhiều quốc gia trong khu vực và lợi dụng giấy phép của cơ quan chức năng để buôn lậu vào Trung Quốc (trong đó Hải quan Thái Lan bắt giữa 02 lô hàng, Hải quan Hoàng Phố - Trung Quốc bắt giữ 29 tấn gỗ Dalbergia và 04 đối tượng, Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực trong xây dựng cơ chế phối hợp, họp bàn trực tuyến nhằm phân tích, chia sẻ thông tin hỗ trợ phát hiện hoạt động vận chuyển trái phép xuyên quốc gia, đồng thời đánh giá, khuyến nghị các phối hợp, quản lý hiệu quả.

Trong thư chúc mừng gửi Hải quan Việt Nam, Cơ quan môi trường Liên hiệp quốc – Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã đánh giá cao những nỗ lực của Hải quan Việt Nam nói chung và Cục Điều tra chống buôn lậu – Hải quan Việt Nam nói riêng trong các hoạt động phối hợp kiểm soát quốc tế nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động thực vật hoang dã nguy cấp với những sáng kiến chủ động.

Hồng Phúc