Ngày 15/1, Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã diễn ra tại Hà Nội.

Rủi ro, thách thức vẫn hiện hữu

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, trong bối cảnh COVID-19, những yêu cầu “cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” phải có những điều chỉnh nhất định.

“Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải “bện chặt” với nhau hơn”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2021. Kịch bản 1 được coi sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn, còn kịch bản 2 có thể đạt được với nỗ lực cao.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế 2021 có thể đạt mức 5,98% ở kịch bản 1 và 6,46% trong kịch bản 2. Tương ứng, xuất khẩu cả năm tăng lần lượt 4,23% và 5,06%. Thặng dư thương mại tương ứng ở mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân lần lượt là 3,51% và 3,78%.

Nghiên cứu của Th.S Nguyễn Anh Dương và các cộng sự chỉ ra rằng, cần đặc biệt lưu ý một số rủi ro trong năm 2021, trong đó hàng đầu là khả năng tiếp cận vaccine phòng COVID  -19.

Cạnh đó, là rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác như Mỹ và EU có thể phục hồi chậm hơn Trung Quốc; xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước châu Á trong bối cảnh đại dịch COVID -19 và khả năng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu.

“Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam”, CIEM đưa ra đánh giá.

Kế hoạch phục hồi kinh tế phải gắn với COVID -19

Từ phân tích đánh giá tình hình thực tế, CIEM nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với COVID-19, trong bối cảnh “bình thường mới”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo: Ảnh: TN 

“Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam”, ông Dương nói.

Ông Dương cho rằng, tái cơ cấu kinh tế cần tiến hành đồng thời với hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là bài học từ giải ngân đầu tư công 2020 (được đẩy nhanh đáng kể) đã cho thấy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng có thể đẩy nhanh.

Cũng theo chuyên gia của CIEM, cần thực hiện hiệu quả tiến trình hồi nhập. Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện cam kết trong FTA, mà còn chủ động đóng góp vào xây dựng luật chơi chung; thúc đẩy hợp tác trong ASEAN để “cùng” thu hút FDI, thay vì “đua xuống đáy”.

“Không tách rời khỏi hộp nhập kinh tế quốc tế bởi nhiều sáng kiến phát triển bền vững cũng có sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường”, ông Dương đưa ra khuyến nghị.

Riêng chính sách tiền tệ, theo CIEM, cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.

Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Giải trình hiệu quả về công tác điều hành tỷ giá đối với Mỹ.

Ngoài ra, nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên; đánh giá định lượng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh COVID-19 để xác định hiệu quả, các vấn đề về quy trình, phạm vi… từ đó có những cân nhắc, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội.

Hương Giang