Một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong Chiến lược phát triển là đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành Hải quan số; tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan; hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý Nhà nước về Hải quan; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp; 100% hồ sơ nghiệp vụ điều tra địa bàn trọng điểm được xác lập và đảm bảo có chất lượng; 100 % hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; ký kết tối thiểu 02 điều ước quốc tế về hải quan với các nước đối tác, đặc biệt là các nước đối tác lớn, có tầm quan trọng chiến lược, ký kết tối thiểu 01 thỏa thuận công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước...

Đến năm 2030, ngành Hải quan hoàn thành Hải quan thông minh với 100% các chứng từ dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan; 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan; 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới; 100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan Hải quan; tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%, tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 4,5%; 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan; 100% hồ sơ điều tra nghiên cứu toàn diện tất cả các tuyến (đường bộ, đường biển, đường hàng không); 100 % hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được số hóa; thiết lập và duy trì tối thiểu 30 kênh hợp tác và liên lạc thường xuyên với các đối tác hải quan quan trọng trên thế giới; ký kết tối thiểu 05 điều ước quốc tế về hải quan với các nước đối tác, đặc biệt là các nước đối tác lớn, có tầm quan trọng chiến lược...

leftcenterrightdel
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan Quảng Ninh 

 

Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Hải quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để: Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan; xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Hải quan xanh; áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh; áp dụng cơ chế quản lý hải quan phù hợp với từng đối tượng quản lý, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước trong hoạt động kiểm soát hải quan; ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại trong quản lý Nhà nước về Hải quan; kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Rà soát, kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 03 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đội ngũ công chức cấp Chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp Tổng cục và Hải quan vùng.

Nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan tại các khuôn khổ ASEAN, WTO, APEC, ASEM, WCO, GMS... trên cơ sở các định hướng chung về hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các nước đối tác, chú trọng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống. Cử đại diện Hải quan Việt Nam tại một số nước đối tác/khu vực quan trọng, trọng điểm. Triển khai nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác với các nước đã thiết lập hành lang pháp lý. Từng bước mở rộng hoạt động hợp tác với các nước tại các khu vực có tiềm năng phát triển trên cơ sở nghiên cứu có chọn lọc, đảm bảo việc hợp tác đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thực chất cho mục tiêu quản lý hải quan của Việt Nam.

Hồng Phúc