Phó Cục trưởng Cục Thú Y, Bộ NN & PTNT, ông Nguyễn Văn Long cho biết, từ tháng 2 năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra và đến nay vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi cả nước. Tiếp đó, từ tháng 10/2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đã xâm nhiễm vào Việt Nam và lây lan trên 51 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt từ tháng 6/2021 đến nay, bệnh cúm da cầm do chủng H5N8 cũng lần đầu tiên xâm nhiễm và lây lan ra 10 tỉnh thành phố.

Nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khỏe cộng đồng, thậm chí là cả tính mạng người dân là rất cao, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid -19 hiện nay.

Theo ông Long, trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh Covid-19), các địa phương cần quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Ông Long đề nghị các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động sử dụng các hình thức phù hợp (qua điện thoại, mạng xã hội...) để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và phòng chống dịch.

Các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và kế hoạch của các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành đều nhận định, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho việc triển khai phòng chống dịch bệnh những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế cũng gây ra nhiều khó khăn cho phòng chống dịch.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Khanh cho rằng, 7 tỉnh, thành sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương. Hiện nhiều lao động ở cơ sở ương giống còn chưa được tiêm vaccine nên rất khó khăn di chuyển. Các tỉnh cần có sự công nhận kết quả test Covid -19 nhiều lần liên tục để có sự thông suốt trong di chuyển.

Còn theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, chỉ có từ 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Ông Nam cũng cho biết, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” có sự khác nhau giữa các tỉnh. Điển hình là việc xét nghiệm cho công nhân khá bất cập, có nơi xét nghiệm 20%, có nơi 30% tổng số công nhân. Đây đang là chi phí quá lớn với doanh nghiệp trong khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về xét nghiệm ở doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ NN & PTNT cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề này; trong đó, quy định rõ tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: Chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.

Đối với các mặt hàng rau quả, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống. Đến tháng 8 là tháng thứ 4 giảm liên tiếp và giảm đến 22,5%.

Để phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định làm các thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính.

Đã có nhiều địa phương họp để bàn giải pháp sau dịch nhưng nếu chỉ tư duy cho tỉnh mình thì sẽ không bao giờ thành công. Cần phải tư duy lại, tư duy liên vùng. Nhấn mạnh vấn đề “nước xa không cứu được lửa gần”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây vẫn là vai trò của các địa phương. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương cùng thay đổi tư duy. 2 bên cùng ngồi lại kiến tạo không gian vừa an toàn phòng chống dịch và vừa đạt hiệu quả trong sản xuất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương thường rất mong muốn mời gọi doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, tiêu thụ… Nhưng trước khi mời gọi doanh nghiệp, địa phương cần xem xét việc đã tổ chức sản xuất thế nào, việc tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp liên kết có hay chưa hay chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn gì…

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần chủ động và thống nhất xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài. Cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng… cùng với giảm chí phí đầu vào sản xuất.

Lê Phương