Báo cáo tổng kết cho thấy, năm 2022, Bộ GTVT đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện của Đại hội.

Bộ GTVT đã hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04/05 quy hoạch, là một trong những đơn vị hoàn thành công tác lập quy hoạch sớm nhất.

Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%, khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; luân chuyển hành khách tăng 78,3% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành Hàng không và Đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới; theo Tạp chí Lloyd’s List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng TP. HCM (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32).

Trong năm 2022, đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 02 dự án đường sắt Hà Nội và TP. HCM…

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TQ

Năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn khoảng 55.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022 so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Với những kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ GTVT đề ra mục tiêu cho năm 2023 đó là: Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt.

Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2023 về hàng hóa (tấn) tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2022. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến đạt khoảng 755 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2022.

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022.

Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ giao khoảng 94.161 tỷ đồng)…

leftcenterrightdel
 Năm 2023, Bộ GTVT sẽ khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án. Ảnh: TQ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà ngành GTVT đã đạt được trong năm 2022, đồng thời yêu cầu ngành GTVT khắc phục những tồn tại hạn chế được chỉ ra trong báo cáo tổng kết năm 2022.

“Bộ GTVT đang triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm, năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ giao khoảng 94.161 tỷ đồng, số vốn lớn nhất từ trước đến nay, do vậy, Bộ GTVT phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như kết quả giải ngân nguồn vốn” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Trần Quý