Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Trong đó có “số phận” dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, còn tồn tại một số các vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...

UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất thành lập tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng của dự án để sớm đưa vào vận hành khai thác.

3/5 hạng mục xây dựng cơ bản chưa đủ điều kiện nghiệm thu

Nêu chi tiết tiến độ dự án đến thời điểm này, Chính phủ cho biết, nội dung xây lắp nhà ga và đơn thể depot đã cơ bản hoàn thành các hạng mục; đã thực hiện nghiệm thu 2/5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện (đường ray và cầu cạn khu gian); 3 hạng mục công trình còn lại vẫn còn tồn tại (cả về hiện trường và hồ sơ), chưa đủ điều kiện nghiệm thu, vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.

Về hạng mục thiết bị, tổng thầu, tư vấn TEDI, tư vấn ACT vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ hoàn công và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.

Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn.

Đề cấp đến vướng mắc hiện nay, theo báo cáo của Chính phủ, là việc đưa nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục triển khai dự án do ảnh hưởng của Covid-19.

Tháng 4/2020, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép các nhân sự làm việc tại dự án được nhập cảnh vào Việt Nam và giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiếp tục xử lý. Vì vậy, BQLDA Đường sắt đã yêu cầu tổng thầu, tư vấn giám sát phối hợp với BQLDA Đường sắt trong quá trình làm việc với cấp thẩm quyền để thực hiện các thủ tục nhập cảnh cho các nhân sự của dự án.

Hiện nay, các thủ tục đã cơ bản hoàn thành (chỉ còn văn bản chấp thuận của UBND TP Hà Nội) các bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước để tháo gỡ các vướng mắc còn lại, sớm đưa nhân sự sang Việt Nam.

Gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài

Cũng theo báo cáo này, tổng thầu dự án đề nghị cần 50 triệu USD để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. BQLDA Đường sắt đã báo cáo Bộ GTVT và nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định hợp đồng EPC.

Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát (trong vòng 15 ngày) các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện, theo báo cáo của Chính phủ.

BQLDA Đường sắt đã rà soát về hiện trạng, số lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện nghiệm thu và cần phải hoàn thiện thủ tục pháp lý các bên.

Tại các cuộc họp trực tuyến và bằng văn bản, BQLDA Đường sắt tiếp tục đôn đốc tổng thầu tập trung bố trí nhân sự hoàn thiện hồ sơ các hạng mục về phần xây dựng (hạng mục kiến trúc các nhà ga và đơn thể depot) và các tồn tại về hồ sơ phần thiết bị đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, kiểm tra có ý kiến dứt điểm các vấn đề tồn tại, làm cơ sở để tổng thầu hoàn thiện cuối cùng.

Bên cạnh đó, BQLDA Đường sắt đã có văn bản đôn đốc TEDI, tổng thầu EPC phối hợp, khẩn trương hoàn chỉnh, đóng dấu thẩm tra và yêu cầu tổng thầu, nhà thầu EPC cập nhật lại nội dung để hoàn chỉnh bản kế hoạch vận hành thử chi tiết.

Với các khó khăn, vướng mắc hiện tại trong công tác đánh giá an toàn hệ thống, BQLDA Đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức họp với liên danh tư vấn ACT trong thời gian tới và cần sự phối hợp chặt chẽ với yổng thầu để kịp thời cung cấp hồ sơ.

Tuy nhiên, các vấn đề mà tư vấn ACT đưa ra phải thực hiện theo quy định của pháp luật và cần tổng thầu tích cực phối hợp, thực hiện cung cấp các hồ sơ tài liệu, mới có thể hoàn thành việc đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Với khó khăn vướng mắc của gói thầu tư vấn giám sát, hiện nay do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới. Đồng thời, do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm, nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài là 13,05km, gồm 12 ga và 1 khu depot, chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là BQLDA Đường sắt.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án được khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong quý 2/2019.

Giải ngân từ đầu dự án đến nay là 14.737,6/15.131,6 tỉ đồng (đạt 81,9%). Giải ngân năm 2020 là 161,2/555,2 tỉ đồng (đạt 29%).

Thảo Nguyên