“Điểm mặt” DA treo, DA sử dụng đất không đúng mục đích

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chấp hành pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng,... đối với các DA đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam và UBND các huyện, thành, thị đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các DA; nhiều DA đã hoàn thành, đi vào hoạt động, thúc đẩy quá trình đô thị hoá, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện căn cứ lĩnh vực, địa bàn phụ trách rà soát tiến độ thực hiện các DA sử dụng đất, tổng hợp các DA treo, DA chậm tiến độ và các DA sử dụng đất không đúng mục đích, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với các DA ngoài KKT, khu công nghiệp (KCN), Ban Quản lý KKT Đông Nam (đối với các DA trong KKT, KCN) chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra.

Theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND tỉnh, từ năm 2016 - 2019, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra các DA (trong đó, 5 đoàn liên ngành kiểm tra các DA ngoài KKT và các KCN), 1 đoàn liên ngành kiểm tra các DA trong KKT, KCN.

Năm 2020 và năm 2021, do dịch Covid-19 nên tỉnh không thành lập các đoàn liên ngành nhưng quyết liệt chỉ đạo việc thường xuyên rà soát, báo cáo tình hình thực hiện các DA.

Cũng thời gian này, các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 DA. Trong đó có 258 DA đã được giao đất, cho thuê đất và 133 DA chưa được giao đất, cho thuê đất.

Cụ thể, đã chấm dứt hoạt động DA, thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực các văn bản pháp lý có liên quan đối với 92 DA (trong số này có 3 DA nhà đầu tư tự đề nghị chấm dứt hoạt động/thu hồi đất); lũy kế đến nay đã chấm dứt hoạt động 220 DA (trong đó có 50 DA nhà đầu tư tự đề nghị chấm dứt hoạt động/thu hồi đất) với diện tích quy hoạch hơn 120.816ha

Gia hạn tiến độ đối với 179 DA (trong đó có 142 DA đã được giao/cho thuê đất và 37 DA chưa được giao/cho thuê đất).

Cho phép tiếp tục thực hiện theo tiến độ đã được cho phép đối với 30 DA. Trong đó có 24 DA đã được giao/cho thuê đất và 6 DA chưa được giao/cho thuê đất.

Tiến hành xử lý khác đối với 90 DA (như tạm dừng để rà soát lại quy hoạch có liên quan, tạm ngừng thực hiện để xử lý vấn đề môi trường, xử lý tài sản công; giao các sở, ngành, địa phương kiểm tra xử lý, làm việc lại với nhà đầu tư; yêu cầu nhà đầu tư rà soát, báo cáo, hoàn thành nghĩa vụ tài chính…).

Có 13 DA được giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 5 DA.

Cục Thuế tỉnh rà soát việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) của các DA, có 120 chủ đầu tư nợ NSNN 839.823 triệu đồng. 

Nhận diện nguyên nhân của thực trạng

Các DA đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn có nhiều DA không triển khai, triển khai chậm tiến độ. Các DA này, sau khi được rà soát, kiểm tra và gia hạn tiến độ, nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai, triển khai không đúng tiến độ mới và tiếp tục chậm tiến độ. Cụ thể, có 86/179 DA được gia hạn đã hết thời gian gia hạn nhưng chưa hoàn thành; 14/30 DA cho phép thực hiện theo tiến độ đã cho phép, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Địa phương có nhiều DA hết thời gian được gia hạn nhưng chưa hoàn thành là TP Vinh 48/83 DA, thị xã Hoàng Mai 19/24 DA, huyện Diễn Châu 6/7 DA...

Khu vực đô thị có tỷ lệ DA treo, DA chậm tiến độ cao gồm TP Vinh 40%; các huyện 38%; các thị xã 22%. Trong đó, TP Vinh có khoảng 200 DA chậm tiến độ/tổng diện tích hơn 600ha; thị xã Cửa Lò có 35 DA chậm tiến độ; thị xã Hoàng Mai có 37 DA chậm tiến độ, DA sử dụng đất không đúng mục đích...

Nhiều DA treo, DA chậm tiến độ nằm trên các tuyến đường trung tâm của TP Vinh làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và gây bức xúc trong nhân dân, như DA tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC (số 92, đường Nguyễn Thị Minh Khai) do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư; DA khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại Đại lộ Lê nin, phường Hưng Dũng, do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư; DA văn phòng và trung tâm giới thiệu sản phẩm của Công ty Hiếu Thành Lộc tại Đại lộ Lê nin, được giao đất năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai…

leftcenterrightdel
DA nhiều "tai tiếng" ở trung tâm TP Vinh là DA khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại Đại lộ Lê nin, do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư, được cấp phép năm 2010. Ảnh: Xuân Thống

Nhiều DA chậm tiến độ do mới chỉ hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng mà chưa được giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, có 68/92 DA bị chấm dứt hoạt động toàn bộ DA, thu hồi đất mà chưa được giao đất, cho thuê đất; 17/25 DA chậm tiến độ trong KKT Đông Nam chưa được giao đất, cho thuê đất, chủ yếu là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, như: DA nhà máy chế biến bơ lạc, thực phẩm đóng hộp và siêu thị giới thiệu sản phẩm do Công ty CP Nafoods Group làm chủ đầu tư; DA trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC tại phường Quán Bàu, TP Vinh do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các DA phân loại theo lĩnh vực đầu tư như nhà ở, bất động sản, thương mại, dịch vụ chậm tiến độ chiếm tỷ lệ cao.

Những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra như một số DA được giao đất, cho thuê đất vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng như để dân lấn chiếm, chậm đưa đất vào sử dụng, xây dựng sai quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; UBND tỉnh đã ban hành quy định ký quỹ đầu tư nhưng chưa sử dụng tiền ký quỹ để thực hiện chế tài đối với các dự án treo, chậm tiến độ. Các chủ đầu tư hầu như không báo cáo theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc theo dõi, kiểm tra, báo cáo tiến độ thực hiện DA có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu đồng bộ nên vẫn còn nhiều DA chậm tiến độ, DA sử dụng đất không đúng mục đích nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.

Một số DA đã được kiểm tra, các sở, ngành, địa phương đề xuất thu hồi, tuy nhiên vẫn chưa có quyết định thu hồi. Từ đó dẫn đến việc xử lý các DA sau khi chấm dứt hoạt động còn chậm và chưa thu hút được nhiều DA đầu tư thay thế…

Thời gian tới, để chấn chỉnh, giải quyết những tồn tại này, bên cạnh công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh Nghệ An sẽ chú trọng về quy trình, thủ tục đầu tư như bổ sung, sửa đổi quyết định ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện DA đầu tư trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện việc quản lý tiền ký quỹ đầu tư chặt chẽ và chế tài xử phạt nghiêm các DA treo, chậm tiến độ, DA sử dụng đất không đúng mục đích. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định năng lực nhà đầu tư trước khi cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định chặt chẽ công tác chuẩn bị đầu tư các DA sử dụng đất...

Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để quản lý, theo dõi và chế độ báo cáo về các DA này, tới đây, tỉnh sẽ xây dựng, vận hành phần mềm quản lý tổng thể các DA đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh để theo dõi, cập nhật thông tin DA, phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nói chung và các DA sử dụng đất nói riêng. Cùng với đó, UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các DA đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn (trong đó trọng tâm là quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các DA vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm và không triển khai, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích).

Xuân Thống