Nguyên nhân, phần lớn các chủ doanh nghiệp có mức độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, một phần do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính sách Nhà nước, sản phẩm xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến khó khăn về tài chính, không đủ khả năng trả lương cho người lao động, không có cán bộ chuyên môn để thực hiện các thủ tục liên quan.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại một số huyện, xã có điểm mỏ được kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa nắm chắc các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của UBND cấp huyện đối với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa được thường xuyên.

Sau khi đoàn kiểm tra chỉ ra các sai phạm, một số lỗi, các đơn vị đã khắc phục, báo cáo về đoàn kiểm tra.

Đối với 3 mỏ chưa cắm mốc mỏ đầy đủ, 1 mỏ chưa lập và nộp bản đồ hiện trạng khai thác mỏ theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời các đơn vị lên làm việc để xử lý vi phạm theo quy định. Hiện, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý.

Đối với 6/24 mỏ chưa ký hợp đồng, ký lại hợp đồng thuê đất yêu cầu các đơn vị tạm dừng hoạt động khai thác tại khu vực mỏ, khẩn trương đấu mối lại với UBND huyện và các ngành liên quan để thực hiện và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Sau khi thực hiện xong, báo cáo kết quả về UBND tỉnh để cho hoạt động khai thác trở lại.

Ngoài ra, đối với mỏ khai thác vượt công suất cho phép là Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thanh Tâm, mỏ cát số 2 chuyển đổi xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, vượt 14%. Theo quy định tại khoản 1, điều 41 Nghị định số 36/2020 ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định “phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác hằng năm nêu trong giấy phép khai thác dưới 15%”. Yêu cầu đơn vị nghiêm túc thực hiện việc khai thác tại khu vực mỏ được cấp phép theo đúng công suất ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho đơn vị.

Sau khi nhận được báo cáo kiểm tra, ngày 13/6/2022, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản giao cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát của các đơn vị trên địa bàn, trong đó tập trung vào các thủ tục thuê đất, thời gian và công suất khai thác, đăng ký phương tiện hoạt động. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện kinh doanh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định.

Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các huyện, các xã trong khu vực giáp ranh. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Trường hợp nếu để xảy ra khai thác, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà không xử lý kịp thời, để tái diễn kéo dài phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện đăng ký, đăng kiểm lại tàu thuyền bơm hút cát và phương án đảm bảo giao thông đường thủy theo quy định. Theo đó, kịp thời thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi mỏ đối với những đơn vị cố tình vi phạm.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác, vận chuyển tài nguyên cát sỏi. Lập kế hoạch phương án đấu tranh đối với các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm.

Cục Thuế tỉnh thường xuyên kiểm tra, đối chiếu khối lượng khoáng sản kê khai, nộp thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính theo quy định của cơ quan thuế. Ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, xử lý nghiêm tình trạng hợp thức hóa chứng từ đầu vào, nhất là việc sử dụng, mua bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông…

Văn Thanh