Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, điều chỉnh Quy hoạch Điện lực quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh) được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên hiện nay nguồn điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.

Do đó, việc thay thế phần quy mô công suất điện hạt nhân này thành công suất 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong Quy hoạch Điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 là thật sự cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo đúng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án (DA) Trung tâm Điện khí LNG Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh bằng nguồn điện khí LNG cập nhật, thực hiện trong Quy hoạch Điện VIII để thực hiện tại Trung tâm Điện lực Cà Ná. Theo đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Văn bản số 1518-CV/BCSĐCP gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương về đề nghị thay thế quy mô công suất 4.600 MW điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

leftcenterrightdel
Tỉnh Ninh Thuận đang phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước. Ảnh: Khoa Lê 

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các DA điện gió, điện mặt trời, thay thể nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới.

Xuất phát từ những vấn đề trên, UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận thay thế quy mô công suất 4.600MW điện hạt nhân Ninh Thuận được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh tại Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng nguồn điện khí LNG thực hiện tại Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná và cập nhật trong Quy hoạch Điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, làm cơ sở để tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện các DA điện khí LNG tại Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná trong thời gian tới.

Khoa Lê