Theo Bộ GTVT, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của nhiều dự án giao thông trọng điểm trên cả nước như dự án cầu Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, như: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn… Các phương tiện vận chuyển vật liệu, thiết bị xây dựng, chuyên gia, kỹ sư đến các công trình đều gặp khó khăn do phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch của địa phương có dự án đi qua.  

Theo Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông, Bộ GTVT, sản lượng thi công của các dự án đang có dấu hiệu chậm so với kế hoạch đề ra. Ngoài việc ảnh hưởng của địa chất, dịch bệnh Covid-19, thời tiết mưa bão, giá một số vật liệu tăng cao, thì chậm giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu là những nguyên nhân đang “đe dọa” đến tiến độ thực hiện các dự án.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, 1 trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài khoảng 98km với tổng mức đầu tư theo dự toán 7.669 tỷ đồng, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/10/2022. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đang bị “đe dọa” do thiếu nguồn vật liệu.

Theo BQLDA đường Hồ Chí Minh, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,85%, đã hoàn thành 10 khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân. Tổng giá trị sản lượng xây lắp đạt khoảng 58%, tổng giá trị giải ngân toàn dự án đạt 71,5%, từ đầu năm 2021 đến nay giải ngân được 1.105/2.736 tỷ đồng (đạt 40% kế hoạch năm).

leftcenterrightdel
 Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang thiếu hụt vật liệu đắp nền đường. Ảnh: TQ

Ngoài những khó khăn như diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, giá thép xây dựng và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, thì nguồn vật liệu đắp nền đường thiếu hụt, khan hiếm đang là “nút thắt” đáng báo động, khiến nhiều nhà thầu bị chậm tiến độ tại dự án này.

Các nhà thầu đang thi công tại dự án gồm Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát, cho biết, một số gói thầu của dự án cần khối lượng đất đắp lớn là XL05, XL06, XL9, XL11, nhưng nguồn cung đất đắp tại địa phương rất khan hiếm, giá cao.

Hiện tại, các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều bị giới hạn bởi công suất khai thác hàng năm, các mỏ đất đắp đảm bảo yêu cầu thì đang cấp cho nhiều dự án khác, trữ lượng còn lại không nhiều nên nguồn cung thiếu trầm trọng, nhà thầu phải mua với giá cao mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Theo BQLDA đường Hồ Chí Minh, dự kiến, có 12 mỏ đất phục vụ thi công dự án, nhưng hiện 4 mỏ chưa được cấp phép khai thác. Trong 8 mỏ đất còn lại, chỉ 2 mỏ có công suất khai thác đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, 6 mỏ không đáp ứng yêu cầu.

Tổng nhu cầu đất đắp cho dự án là 1,99 triệu m3 nhưng trữ lượng khai thác tại 8 mỏ chỉ đáp ứng được 0,5 triệu m3, bằng 25% nhu cầu. Mặc dù BQLDA đã triển khai nhiều giải pháp, song tình hình cung cấp đất đắp vẫn vô cùng khó khăn.

Không chỉ riêng dự án Cam Lộ - La Sơn mà nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng cùng chung cảnh ngộ.

Để gỡ “nút thắt” khan hiếm nguồn vật liệu, Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương bổ sung luồng xanh vận chuyển vật liệu, thiết bị từ các địa phương đến công trường đang triển khai dự án giao thông trọng điểm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đang gấp rút xây dựng hệ thống luồng xanh để các doanh nghiệp có thể thuận tiện đăng ký cho phương tiện phục vụ các dự án hạ tầng giao thông, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế.

leftcenterrightdel
Nếu không gỡ được nút thắt thiếu vật liệu, thì nhiều dự án giao thông trọng điểm sẽ chậm tiến độ. Ảnh: TQ 

Theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện Tổng cục Đường bộ cũng đang cập nhật phần mềm hệ thống cấp giấy nhận diện được ưu tiên vận chuyển trên luồng xanh quốc gia và luồng xanh nội tỉnh cho các hàng hóa phục vụ xây dựng. Đồng thời chỉ đạo các BQLDA làm việc với các địa phương để được cho phép đưa các chuyên gia đến địa bàn thi công với điều kiện khai báo y tế đầy đủ và có giấy xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ.

Thị sát công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo BQLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với địa phương để tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục pháp lý nâng công suất, mở rộng quy mô mỏ trên tinh thần Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, ngay trong tháng 9/2021, “kích hoạt” luồng xanh hàng hải chở vật liệu đá cho công tác bê tông nhựa từ tỉnh Hà Nam qua đường biển, đường thủy nội địa để tập kết vào công trường dự án.

Theo ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh, đến nay, BQLDA đã hoàn thiện cơ bản thủ tục cung - cầu vật liệu, nhà cung cấp đã có báo giá tới các nhà thầu, hiện các nhà thầu đang thương thảo ký hợp đồng mua đá. Mục tiêu với việc thiết lập luồng xanh này sẽ cung ứng khoảng 150.000m3 đá dùng cho bê tông nhựa của dự án, giải nguy cơ khan hiếm vật liệu khi các mỏ thuộc các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang cung cấp chủ yếu cho các dự án điện gió.

Theo các BQLDA, việc cấp luồng xanh vận chuyển vật liệu, thiết bị từ các địa phương đến công trường đang triển khai dự án giao thông trọng điểm là rất cần thiết, vừa giải quyết được sự thiếu hụt nguyên vật liệu tại chỗ, vừa hài hòa giá thành, tránh sự “độc quyền” tăng giá của các chủ mỏ, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.

Trần Quý