D.A cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 1/11 D.A thành phần thuộc D.A đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. D.A có chiều dài 100,8km thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận, được khởi công ngày 30/9/2020, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022. D.A có tổng mức đầu tư 10.853,90 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210,49 tỷ đồng, do Ban Quản lý (BQL) D.A 7 - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Báo cáo của BQLD.A 7 về tình hình thực hiện D.A gửi Bộ GTVT cho thấy, đến ngày 25/8 mới bàn giao dứt điểm được 100,5/100,8km. Còn 6/1.978 hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng (diện tích đất khoảng 3,5ha). 4 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn có đơn khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường (diện tích khoảng 3,3ha) và cản trở thi công.

Vốn bố trí cho D.A từ khi triển khai đến nay 4.574,87 tỷ đồng, đã giải ngân được 3.155,485 tỷ đồng; riêng vốn bố trí trong năm 2021 (bao gồm vốn kéo dài năm 2020) của D.A là 2.576,094 tỷ đồng, đã giải ngân được 1.148,379 tỷ đồng, đạt 44,56%.

Giá trị sản lượng thực hiện đạt khoảng 843,57 tỷ đồng, đạt 14% so với tổng giá trị xây lắp của D.A (6.065,09 tỷ đồng) và đạt khoảng 94% so với kế hoạch sản lượng đã đăng ký (899,27 tỷ đồng).

Theo BQLD.A 7, nguyên nhân dẫn đến việc đạt sản lượng thấp là do vướng mắc về mặt bằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là thiếu vật liệu đắp nền đường.

Việc chậm bàn giao mặt bằng sạch, di dời hạ tầng kỹ thuật đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà thầu trong phương án tổ chức thi công; gây ách tắc cho việc tập kết xe máy - thiết bị, vận chuyển vật tư, vật liệu trong nội bộ công trường do chưa thể hoàn thành thông suốt tuyến đường công vụ dọc tuyến…

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực phía Nam nói chung đang có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện D.A.

Tình trạng khan hiếm kéo dài về vật liệu đắp nền đường, giá thép xây dựng và một số vật liệu khác tăng bất thường trong thời gian dài. Trong đó, tình trạng khan hiếm nghiêm trọng nguồn vật liệu đắp nền đường là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức thi công của nhà thầu và làm chậm tiến độ D.A.

Theo BQLD.A 7, nguồn cung vật liệu đắp nền đường là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Tổng nhu cầu vật liệu đắp của D.A (sau khi đã điều phối từ đào sang đắp) khoảng 9,2 triệu m3, nhưng hiện nay mới xử lý được khoảng 1,7 triệu m3 từ việc tận dụng đá xay nghiền (gói thầu XL01) làm vật liệu đắp và khoảng 1,45 triệu m3 từ các mỏ đã được cấp phép khai thác.

Nhu cầu còn thiếu khoảng 6,05 triệu m3 được dự kiến phân bổ từ các mỏ sắp được cấp phép khai thác đảm nhận khoảng 1,77 triệu m3. Phần nhu cầu còn lại khoảng 4,28 triệu m3 sẽ do các mỏ đề nghị bổ sung đảm nhận. 

leftcenterrightdel
 Nhiều D.A thành phần thuộc D.A đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đều vướng mặt bằng. Ảnh: TQ

BQLD.A 7 đã có 3 văn bản báo cáo vướng mắc và kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành liên quan của tỉnh quan tâm xem xét, giải quyết tình hình khan hiếm vật liệu cho D.A. 

Tuy nhiên, tiến trình thực hiện diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện D.A.

Để D.A triển khai được thuận lợi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu về quản lý tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư, BQLD.A 7 kiến nghị:

Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện tập trung giải quyết nhanh chóng và dứt điểm những tồn tại và vướng mắc về mặt bằng thi công, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và giải ngân vốn đầu tư tại các đoạn tuyến còn lại theo tinh thần Thông báo số 179 ngày 8/7/2021 của Văn phòng Chính phủ, và kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Văn bản số 2450 ngày 6/7/2021, Văn bản số 3067 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng của D.A.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường.

BQLD.A 7 kiến nghị Bộ GTVT xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung:

Về cấp phép khai thác, Thủ tướng Chính phủ sớm quan tâm xem xét những tồn tại, vướng mắc khi thực hiện mục 1, khoản a của Nghị quyết 60/NĐ-CP.

Về phê duyệt để bổ sung vào quy hoạch khai thác, BQLDA 7 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và vận dụng khoản 4, mục 1, Điều 14 của Luật Khoáng sản để bổ sung vào mục 1, khoản a của Nghị quyết số 60/NQ-CP: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi D.A đường cao tốc đi qua “được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch khai thác các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đề nghị của đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay đại diện chủ đầu tư”. Vì thực tế một số khu vực thuộc D.A rất cần bổ sung gấp mỏ vật liệu, nhưng hiện trong quy hoạch không còn. Nếu chờ bổ sung quy hoạch sẽ mất nhiều thời gian, trong khi bổ sung quy hoạch khai thác mỏ thuộc quyền của UBND tỉnh.

Về việc không giới hạn nâng công suất khai thác, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, điều chỉnh nội dung mục 1, khoản b của Nghị quyết số 60/NQ-CP theo hướng “đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không giới hạn so với công suất trong giấy phép khai thác (có thể tăng trữ lượng đã cấp phép) nếu đảm bảo điều kiện về dự trữ, môi trường và an toàn khai thác mà không phải lập D.A đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường, hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng không đáp ứng về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác”, nhằm phát huy cao nhất năng lực phục vụ của các mỏ đối với D.A.

BQLD.A 7 cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét và điều chỉnh thời gian hoàn thành D.A cho phù hợp với thực tế khách quan.

Như vậy, nếu không sớm tháo được “ngòi nổ” thiếu vật liệu đắp nền đường, thì không phải mỗi D.A cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ, mà 10 D.A thành phần thuộc D.A đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, cùng chung số phận.

Trần Quý