Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho hay, thời gian qua, ánh mắt của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đang tập trung về Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, chuyển dịch nguồn cung ứng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các yếu tố địa chính trị trên thế giới.

Vì vậy, ngay cả ở những thời điểm giao thương bị ngắt quãng vì đại dịch, hoạt động tìm kiếm, trao đổi thông tin và ý tưởng đầu tư vào Việt Nam vẫn diễn ra rất nhộn nhịp và bất động sản công nghiệp đã trở thành một phân khúc sôi động nhất trong năm 2020 này.

“Sức hấp dẫn này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa một khi dịch bệnh được khống chế và các hoạt động giao thương, đầu tư quốc tế trở lại bình thường”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, trong những năm tới, thị trường bất động sản công nghiệp dự báo sẽ rất sôi động nhờ sự bắt đầu tham gia hoặc mở rộng thị trường của các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư này bao gồm cả các nhà sản xuất, các nhà cung ứng và các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, kho bãi.

“Chúng ta đã có thể cảm nhận được động thái này khá rõ nét qua sự dịch chuyển sản xuất của nhiều tên tuổi lớn, kéo theo hàng trăm nhà đầu tư 'vệ tinh' đến Việt Nam”, ông Minh nói.

Ông Minh cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi: Đâu sẽ là những xu hướng chính trên thị trường này? Loại hình bất động sản công nghiệp nào được nhà đầu tư ưa chuộng nhất? Những địa phương nào có thể trở thành “điểm nóng” về bất động sản công nghiệp do sự khan hiếm nguồn cung có thể xảy đến? Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì để hấp dẫn các nhà đầu tư? Các khu công nghiệp cần được tích hợp những sản phẩm, dịch vụ gì để đáp ứng tốt nhu cầu khách thuê và phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Chính phủ? Các chính sách mới sẽ được ban hành cần thiết kế ra sao để đón được làn sóng đầu tư mới từ sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu?

“Hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra với các diễn giả tham dự diễn đàn hôm nay với mong muốn góp phần tạo ra những thảo luận và thông tin thú vị, hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp”, ông Lê Trọng Minh nói.

Đồng thời, phân tích rõ những lợi thế mà Việt Nam đang thụ hưởng từ các hiệp đinh thương mại tự do; khả năng đáp ứng của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước dự kiến sẽ tăng nhanh sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; bài học phát triển chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất lớn khi đến Việt Nam; cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để thu hút được dòng đầu tư có chất lượng, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng nhà đầu tư, chứ không phải là “may sẵn” cho tất cả các nhà đầu tư.

Việc phát triển các khu công nghiệp cũng vậy. Giờ đây, có thể cũng sẽ có những khu công nghiệp được “thiết kế” riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà đầu tư, từng lĩnh vực đầu tư.

Trên thực tế, sau 30 năm phát triển, các khu công nghiệp , khu kinh tế đã ngày càng trở thành mô hình thuận lợi để thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tính đến quý II năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước đã thu hút được 9.835 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 9.650 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46,3%.

Một con số cho thấy sức hút rất lớn của các khu công nghiệp. Song, để các khu công nghiệp đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển thì lại là một câu chuyện khác.

Việt Nam đang có cơ hội ngàn năm có một để đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nhưng nếu không chuẩn bị thật tốt, các tập đoàn sẽ chỉ đến khảo sát, đến tìm hiểu mà thôi, chứ không ra quyết định đầu tư. 

Sự chuẩn bị này  là các địa phương phải chủ động trong phát triển hạ tầng, sẵn sàng đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hơn thế nữa, trong xu hướng thu hút đầu tư hiện nay, không chỉ là cần “đất sạch” đơn thuần, với đầy đủ hạ tầng, hay với một mức giá cạnh tranh, ổn định, mà cần thiết phải mở rộng các mô hình khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp sinh thái để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, để khẳng định việc cần phát triển các khu công nghiệp mà làm sao để các doanh nghiệp trong - ngoài một khu công nghiệp có thể hợp tác với nhau, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải... qua quá trình sản xuất - kinh doanh.

“Các khu công nghiệp cần thu hút được các ngành công nghiệp riêng biệt theo cách tiếp cận cụm công nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên các trao đổi về nguyên vật liệu, năng lượng, nước, hoặc phụ phẩm”, ông Trung nói.

Nguyễn Điểm