Sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020.

Dịch chuyển dòng vốn đầu tư không hề đơn giản

Theo ngành Thống kê, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 950,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Đài Loan 775,2 triệu USD, chiếm 9,2%; Đặc khu hành chính Hồng Kông 770,8 triệu USD, chiếm 9,1%; Hàn Quốc 544,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Nhật Bản 323,6 triệu USD, chiếm 3,8%...

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho hay, những tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp (DN) có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch Covid-19. Cho nên, tất cả các tính toán của các DN FDI lớn đầu tư vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều nằm “trên giấy và trong suy tính, chưa có số lượng cụ thể”.

“Nhìn chung các quốc gia lớn thường đầu tư nhiều vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt”, ông Thuý khái quát và nhận định, dòng vốn FDI “chảy” vào trong 6 tháng đầu năm cũng là tích cực.

Vậy với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dịch Covid -19 liệu có sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam hay không? Theo ông Thuý, có khả năng xảy ra nhưng “chưa có bằng chứng rõ ràng”.

Phân tích cụ thể, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho hay, số dự án vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm, chưa có sự đột biến kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số dự án và tổng số đầu tư đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Các DN FDI ở Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ… Song, nhiều nước cũng có lợi thế như Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… nên các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn.

leftcenterrightdel
 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng là tích cực. Ảnh minh họa: Danh Lam
 

“Trên thực tế việc chuyển hướng đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc chi phí chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. Đặc biệt, với các DN sản xuất thì quá trình chuyển dịch vốn có thể mất từ  2-5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện”, ông Thuý nói.

Ngoài ra, chính các quốc gia sở tại cũng phải xem xét các chính sách để “níu kéo” các nhà đầu tư… “Theo Tổng cục Thống kê thì cần phải có thời gian để quan sát, phân tích số liệu trên thực tế mới có thể khẳng định được có hay không sự chuyển dịch dòng vốn FDI vào Việt Nam và đánh giá tác động cụ thể với kinh tế - xã hội nước ta”, ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế thấp nhất từ khi thống kê GDP

Cũng theo ngành Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II tăng trưởng 0,36%. Mức tăng GDP này, theo ngành Thống kê là thấp nhất trong 10 năm (2011-2020).

"Từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991, chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp như vậy", Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng nói thêm sau đó.

Theo ông Hùng, mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm 2020 là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. “Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%", vị này nhận định.

Dù vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid -19, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Bản, EU đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, thì mức tăng trưởng dương của Việt Nam vẫn là “điểm sáng”.

leftcenterrightdel
 GDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây
 

Dự đoán về mức tăng trưởng GDP quý III và IV, theo Tổng cục Thống kê, sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm bởi còn dư địa lớn để tăng trưởng như giải ngân đầu tư công, dư nợ tín dụng, cũng như dựa trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN trong năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kế cho hay, có 27,3% DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 40,8% DN đánh giá gặp khó khăn và 31,9% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý III so với quý II, có 49,1% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% DN dự báo khó khăn hơn và 31,5% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

“Trong đó, khu vực DN ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 82,6% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2020; tỷ lệ này ở khu vực DN Nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 79,7% và 75,9%”, bà Hương cho biết.

Giá thịt lợn tăng 68,2% làm CPI chung tăng 2,86%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân CPI tăng là do, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%). Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao, lần lượt là 1,7% và 0,93% cũng góp phần làm CPI tăng.

Ngoài ra, lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê cho rằng, những tháng còn lại của năm 2020 cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát.

Hương Giang