Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Theo ông Lê Sáu, Phó Giám đốc phụ trách dự án, dự án không đạt tiến độ đề ra là do thời gian đầu triển khai nguồn vật liệu đất đắp (đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án) trên địa bàn dự án còn thiếu (khoảng 1,5 triệu m3). Do từ khi khảo sát thiết kế đến khi lựa chọn được nhà thầu thi công thì mất hơn 1 năm nên các mỏ đất đã được điều tra, khảo sát thì các dự án của địa phương triển khai đã sử dụng các mỏ này dẫn đến trữ lượng không còn như khi điều tra.

Một số mỏ có trong quy hoạch của địa phương khi dự án triển khai các chủ mỏ mới làm thủ tục xin cấp phép. Tuy nhiên thời gian, thủ tục cấp giấy phép khai thác các mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản rất dài, dẫn đến thời gian đầu thiếu nguồn cung vật liệu đất đắp cho dự án, đặc biệt tại các gói thầu XL5, XL6 nền đường đắp hoàn toàn, do vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của dự án.

Một số đơn giá vật liệu theo thông báo giá của địa phương chưa sát với thực tế thị trường đang cung cấp (đất đắp nền đường, thép, vật tư đặc chủng phục vụ công tác nổ mìn phá đá...). Chất lượng nguồn đá của địa phương sử dụng cho thi công lớp bê tông nhựa (BTN) không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, đồng thời cùng thời điểm các dự án điện gió trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị tập trung triển khai nên nguồn cung đá không đáp ứng được yêu cầu, các nhà thầu phải mua từ các tỉnh khác về (Quảng Bình, Hà Nam...).

Việc huy động nhân công gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19; năm 2020 xảy ra mưa lũ lịch sử, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12/2020 gây ngập lụt, chia cắt đường công vụ tiếp cận dự án làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công...

Về tiến độ thi công, theo ông Sáu, kết thúc năm 2021, sản lượng thi công đạt được khoảng 72%, chưa đạt yêu cầu Nghị quyết 52/2017/QH14 là “cơ bản hoàn thành năm 2021”.

“Chúng tôi nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vướng mắc để dự án về đích vào khoảng quý II đến quý III năm 2022” - ông Sáu nói.

leftcenterrightdel
 Những mét đường đầu tiên của dự án đang được hoàn thiện. Ảnh: TQ

“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chúng tôi đã chỉ đạo các chủ thể tham gia dự án rà soát, lập lại tiến độ điều chỉnh với các mốc tiến độ khống chế cho các hạng mục thi công chính, khống chế thời gian hoàn thành gói thầu để từ đó có cơ sở yêu cầu nhà thầu tăng cường thiết bị, nhân lực, tài chính vào dự án; tăng ca, tăng kíp, thay đổi biện pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ trên công trường” - ông Sáu nhấn mạnh.

Đối với những nhà thầu năng lực còn hạn chế, nếu đã được cảnh báo, nhắc nhở mà không có sự chuyển biến tích cực, ban sẽ cắt chuyển khối lượng giao nhà thầu khác có đủ năng lực để triển khai thi công, không vì bất cứ lý do gì để cho gói thầu dự án tiếp tục chậm tiến độ. Thực tế thời gian qua, ban đã cắt chuyển khối lượng 01 nhà thầu và thay chỉ huy trưởng của 01 nhà thầu khác.   

leftcenterrightdel
 Cầu Tuần trước ngày hợp long. Ảnh: TQ

Có mặt tại dự án vào những ngày đầu năm 2022, chúng tôi thấy, các nhà thầu thi công đang tăng cường lực lượng, máy móc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Điều hành dự án 5 gồm 3 gói thầu 4, 8 và 9 cho biết, để bảo đảm tiến độ, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường lực lượng, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là trong mùa khô này. “Hiện các nhà thầu đã cam kết thực hiện đúng tiến độ đã cam kết” - ông Vinh cho biết.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã có chỉ đạo, ngay trong tháng 1/2022 này, những nhà thầu không có chuyển biến tích cực, không đáp ứng biểu đồ tiến độ mới sẽ thay thế chỉ huy trưởng của nhà thầu, đồng thời, điều chuyển một phần khối lượng cho các nhà thầu đáp ứng đủ năng lực để triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án.

Trần Quý