Nguồn vốn đầu tư công đợt 1 năm 2023 trên 7.300 tỷ đồng

Tại Quyết định 4216 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 (đợt 1) là 7.311 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương (đợt 1) là 2.302,046 tỷ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 5.009,551 tỷ đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ trên đảm bảo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu, danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án.

Cụ thể, giao Giám đốc Sở KH&ĐT thông báo chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư để triển khai thực hiện; chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hằng tháng, quý; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các cơ quan, đơn vị giải ngân thấp so với mức trung bình chung của cả tỉnh liên tiếp trong 3 tháng hoặc vi phạm trong công tác quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, chủ trì tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định đối với các dự án triển khai thực hiện và giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, có khả năng thực hiện và giải ngân hết chỉ tiêu bổ sung.

Giám đốc Sở Tài chính cân đối đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhập tabmis cho các dự án kịp thời để giải ngân vốn. Định kỳ hằng tháng, quý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở KH&ĐT) tình hình nhập tabmis đối với từng dự án được giao tại quyết định này để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo. Trường hợp hụt thu ngân sách, thực hiện điều chỉnh giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, bù đắp hụt thu từ nguồn dự phòng, nguồn tài chính khác để tập trung nguồn vốn thực hiện cho đầu tư phát triển. Đôn đốc các chủ đầu tư quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án theo quy định.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định hiện hành.

Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện phân bổ nguồn thu sử dụng đất được phân cấp theo đúng nguyên tắc, tiêu chí để đảm bảo sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan nợ đọng phát sinh sau 31/12/2014

Tại quyết định 4216, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023; chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ và kế hoạch vốn đã được giao, đảm bảo đúng quy định, chất lượng và hiệu quả.

 Đối với gói thầu, hạng mục đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh toán, quyết toán kịp thời theo đúng hợp đồng. Đối với các hạng mục đang thực hiện dở dang, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, nghiệm thu thanh toán kịp thời theo khối lượng hoàn thành, không để dồn nghiệm thu một lần vào cuối năm.

Đối với các dự án, gói thầu mới, lập kế hoạch đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, trong đó lưu ý tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đáp ứng lộ trình theo quy định. Lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải ngân của các cơ quan, đơn vị đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định.

Tăng cường thực hiện thủ tục quyết toán các công trình, hạng mục hoàn thành nhưng chưa quyết toán, chấn chỉnh tình trạng tồn đọng quyết toán kéo dài. Tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015 (nếu có). Nghiêm cấm hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc thực hiện khối lượng vượt kế hoạch giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014, giao chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý dứt điểm phần nợ đọng xây dựng cơ bản đã phát sinh theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Xuân Thống