Vốn đầu tư tăng trên 71%

Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh, địa hình núi cao chia cắt mạnh, trong đó trên 75% là núi đá, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, dân cư phân bố không đều, giao thông đi lại khó khăn.

Trong suốt 5 năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã nỗ lực, quyết tâm cao, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, với 36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Thành quả của những nỗ lực đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt mức 6,8%, mức khá so các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng/người, tăng 57,4% so năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Trong đó, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm từ 36,4% đầu nhiệm kỳ xuống còn 30,3%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,5% lên 25,7%; thương mại - dịch vụ tăng từ 42,1% lên 44%.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt hơn 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 10.665 tỷ đồng, bình quân hằng năm thu 2.133 tỷ đồng, trong đó năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so năm 2015.

Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Giang và quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch huyện, thành phố và Cao nguyên đá Đồng Văn. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu trước hai năm, và thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới; kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, các thôn cơ bản có đường xe cơ giới đến trung tâm.

Nhiều ngàn hộ chính sách được tặng nhà

Nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai, đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc, như: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. Tính đến hết ngày 31/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện và hoàn thành 3.597 ngôi nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra hơn 1.300 ngôi nhà. Theo đó, giai đoạn I (từ 7/2019 - 8/2020) đã hỗ trợ 3.336 gia đình; giai đoạn II (từ tháng 9/2020 đến nay) tiếp tục hỗ trợ 261 hộ. Trong đó bao gồm 217 gia đình chính sách người có công, 487 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.514 hộ nghèo xã biên giới và 1.379 hộ nghèo các xã nội địa. Hiện, đã có 3.485 ngôi nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng, số còn lại đang tiếp tục triển khai.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí huy động trên 200 tỷ đồng. Huy động được trên 1,2 triệu ngày công hỗ trợ xây dựng nhà. Bên cạnh tiêu chí xây dựng nhà đảm bảo “cứng tường, cứng nền, cứng mái”, nhà còn phù hợp với bản sắc, phong tục, tập quán của từng dân tộc.

Đây là một chương trình lớn và khó, song bằng chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, thiết thực, công khai, minh bạch gắn với giao cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, xác định những lực lượng nòng cốt giúp dân làm nhà, kết quả chương trình vượt xa sự mong đợi; là niềm tin, nguồn động viên rất lớn để tỉnh tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Hà Giang còn làm tốt các mặt công tác khác như huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài với cam kết hỗ trợ trên 52 tỷ đồng… Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, giữ vững đường biên, mốc giới. Tăng cường công tác đối ngoại trên tinh thần “hòa bình, hữu nghị, hợp tác” với Trung Quốc và mở rộng đối ngoại với các nước khác, nhất là các nước có nguồn vốn ODA, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. 

leftcenterrightdel
Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam. Ảnh: LP 
 

Du lịch Hà Giang - điểm đến “bản sắc, an toàn, thân thiện”

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Giang cũng như nhiều địa phương trong cả nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ việc sụt giảm lượng du khách và doanh thu.

Song, giờ đây ngành Du lịch Hà Giang đang có sự phục hồi mạnh nhờ các giải pháp kích cầu du lịch như xây dựng lộ trình, kế hoạch để xúc tiến quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch với du khách quốc tế và trong nước. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, tỉnh chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa với thông điệp điểm đến “bản sắc, an toàn, thân thiện” thông qua việc tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch liên kết vùng Tây Bắc. Giới thiệu các không gian văn hóa truyền thống tại các hội thảo, trên các trang web, xây dựng các tour tuyến mới gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều sự kiện đặc sắc đã được tổ chức thành công, để quảng bá hình ảnh Hà Giang đến với du khách thập phương.

Cùng với việc tổ chức xúc tiến, quảng bá, Hà Giang cũng tổ chức khảo sát phát triển sản phẩm du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Phối hợp tổ chức chương trình liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2020 – 2025 gắn với khảo sát di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; và gặp mặt các doanh nghiệp du lịch đến các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch covid - 19 để trở thành điểm đến an toàn với du khách. Duy trì hoạt động của gần 1 nghìn cơ sở lưu trú đảm bảo các hoạt động phục vụ du khách trong dịp lễ, tết; thường xuyên cử cán bộ trực, duy trì đường dây nóng để phục vụ du khách.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với thông điệp điểm đến “bản sắc, an toàn, thân thiện”, năm 2020 Hà Giang đón trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 70 nghìn lượt; doanh thu ước đạt 2.477 tỷ đồng… Những con số ấn tượng này cho thấy du lịch Hà Giang có sự khởi sắc, phát triển.

Bước sang năm 2021, Hà Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch mới, đặc trưng, kết hợp với các điểm đón khách, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch và sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch. Phát huy mọi nguồn lực khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng du lịch trên quan điểm đa dạng hóa các loại hình, tạo sản phẩm du lịch chủ lực có tính đặc thù, có chất lượng và cạnh tranh cao. Triển khai thực hiện các khuyến nghị của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu để lưu lại ấn tượng, làm hài lòng du khách khi đến với Hà Giang

Đến với Hà Giang, nhiều du khách khẳng định đây là điểm đến lý tưởng vì ngoài được cảm nhận cái lạnh của vùng cao núi đá, du khách còn được ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt các điểm đến ở tỉnh vùng cao này đem lại cho du khách cảm giác thực sự an toàn trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Giang vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; một số sản phẩm nông sản chủ lực chưa được chế biến sâu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới…

Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang không ngừng phấn đấu vươn lên, từng bước tháo gỡ những “nút thắt, điểm nghẽn”, nắm bắt thời cơ để tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Trong đó, xác định ba khâu đột phá, đó là: Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển du lịch, nông nghiệp đặc thù hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; đột phá về tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước.

Tạm biệt Hà Giang, trở về với công việc thường ngày, tôi vẫn luôn mong ngày trở lại để tiếp tục những chuyến du ngoạn cao nguyên đá, được rong ruổi trên con đường ngoằn nghèo xuyên qua bao nhiêu bản làng, bao nhiêu đồi núi để ngắm những vạt hoa đủ màu sắc chen lẫn với đá và những luống tam giác mạch đã khiến cuộc sống ở nơi đây trở nên mộng mơ và quyến rũ. Và đặc biệt là được chiêm ngưỡng những khúc quanh hùng vĩ Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam và ngắm con sông Nho Quế…

Phương Hiếu