Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đến tháng 7/2021, cả 3 DA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng DA với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư DA hơn 11.157 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng, nguồn vốn huy động hơn 5.090 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp DA đã nhận bàn giao mặt bằng, đang lập thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, huy động công trường, lán trại, nhân sự và máy móc, thiết bị... đã triển khai thi công một số hạng mục như bóc hữu cơ, đào nền đường...

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm có tổng vốn đầu tư hơn 5.524 tỷ đồng, gồm vốn nhà đầu tư khoảng 2.556 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp DA đã nhận bàn giao mặt bằng, đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công và huy động công trường, lán trại, nhân sự và máy móc, thiết bị, lắp đặt trạm trộn... đang thi công một số hạng mục như bóc hữu cơ, đào nền đường…

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện DA khoảng 4.199 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp DA đang phối hợp với địa phương để nhận bàn giao mặt bằng, đang thực hiện lập thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, huy động công trường, lán trại, nhân sự và máy móc, thiết bị…

leftcenterrightdel
Các DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu. Ảnh: TQ 

Hiện nay, nhà đầu tư và doanh nghiệp DA đang đàm phán với các ngân hàng đã cam kết cho vay vốn để thu xếp tài chính thực hiện các DA. Tuy nhiên, việc huy động vốn vay gặp khó khăn khi ngân hàng đề nghị được áp dụng điều khoản chia sẻ doanh thu theo quy định tại điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định của hợp đồng, các nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp vốn. Thế nhưng, đến thời điểm này, một số DA sắp hết hạn 6 tháng, nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức làm việc để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và làm việc với các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp huy động thêm nguồn lực hoặc các loại hình khác.

“Bộ GTVT đang tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để các nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nhà đầu tư hết sức quyết tâm cố gắng hoàn thành 3 DA này theo yêu cầu của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm thu xếp vốn tín dụng cho 3 DA này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Bộ GTVT, bên cạnh việc tích cực đàm phán với ngân hàng, các nhà đầu tư đang nỗ lực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như: Tăng vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Ngoài khó khăn về nguồn tín dụng, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ DA đang còn vướng mắc với gần 11km chưa được giao (chiếm khoảng 1,6% tổng chiều dài các DA). Nguyên nhân chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư; một số DA vướng mắc cục bộ do khiếu kiện, tranh chấp, người dân khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường…

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các DA thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa qua gặp vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng (đất, cát, đá) do đồng loạt các DA thành phần được triển khai cùng lúc. Nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các DA.

Giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến, đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp khó khăn, một số công trình đã phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân lây nhiễm Covid-19, phải cách ly.

leftcenterrightdel
Nếu nguồn vốn không sớm được khai thông; nguồn nguyên vật liệu không được đáp ứng; chậm bàn giao mặt bằng… thì 3 DA PPP sẽ khó đảm bảo tiến độ đề ra. Ảnh: TQ 

Để bảo đảm việc triển khai DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện DA; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có DA đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư.

Giải quyết các khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu (đất, cát, đá) đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công các DA cũng như có giải pháp bình ổn giá, tránh đầu cơ nâng giá; ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, người lao động và tạo thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên, vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực phục vụ thi công các DA.

Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, các địa phương rà soát tiến độ công tác GPMB và triển khai 3 DA thành phần PPP Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo để điều chỉnh thời gian xây dựng cho phù hợp, sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các DA, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Như vậy, nếu nguồn vốn không sớm được khai thông; nguồn nguyên vật liệu không được đáp ứng; chậm bàn giao mặt bằng… thì 3 DA này sẽ khó đảm bảo tiến độ đề ra.

Trần Quý