Tổng kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tránh khiếu nại kéo dài

Về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP HCM, Sở Xây dựng cho biết, tính đến 2020, toàn TP có 1.518 chung cư, tương ứng với 2.447 lô chung cư (trong đó có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 - theo số liệu năm 2018).

Một số địa phương có nhiều chung cư như quận 5 (245 chung cư), quận 1 (230 chung cư), quận Bình Thạnh (156 chung cư), quận 7 (103 chung cư), quận Tân Bình (67 chung cư), quận Tân Phú (76 chung cư), TP Thủ Đức (154 chung cư)… Riêng huyện Cần Giờ và Củ Chi không có chung cư.

Thời gian qua, Sở Xây dựng tiếp nhận ngày càng nhiều các thông tin phản ánh, kiến nghị và các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Qua rà soát, Sở Xây dựng cho biết, các nội dung phản ánh chủ yếu đối với các dự án nhà chung cư được phê duyệt đầu từ xây dựng sau khi Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực…

Theo Sở Xây dựng, nội dung phản ánh, kiến nghị hoặc các tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tại nhà chung cư (như chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị vận hành, chủ sở hữu…) liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước các cấp…

Do đó, cần phải thực hiện việc kiểm tra, thu thập các thông tin về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP HCM nhằm đánh giá thực trạng, xác định các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, đề xuất các giải pháp hướng dẫn, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Sở Xây dựng còn cho biết, một số chung cư có nội dung phản ánh phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp. Do đó, cần phải tăng cường vị trí, vai trò và chức năng quản lý nhà chung cư tại địa phương, sự phối hợp của các sở, ngành, quận, huyện để cùng giải quyết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư để tránh tình trạng phản ánh khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Một trong những mục đích của kế hoạch lần này là thông qua công tác kiểm tra nhằm tuyền truyền, hướng dẫn, chấn chỉnh các đơn vị (chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị vận hành) và các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thực hiện đúng các quy định về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư; góp phần nâng cao điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường nếp sống văn minh đô thị tại các nhà chung cư trên địa bàn TP HCM.

Những nội dung nào sẽ được kiểm tra?

Theo Sở Xây dựng, phạm vi kiểm tra được xác định là các nhà chung cư được phê duyệt đầu tư xây dựng từ sau khi Luật Nhà ở năm 2005 đến nay, đã đưa vào sử dụng trên địa bàn TP (nếu thấy cần thiết, có thể mở rộng phạm vi đối tượng kiểm tra).

Đối tượng kiểm tra gồm chủ đầu tư, ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và các tổ chức cá nhân có liên quan. Sở Xây dụng sẽ kiểm tra các nội dung về pháp lý xây dựng và hoàn thành công trình nhà chung cư; về tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư; công tác bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; an toàn phòng cháy chữa cháy; hoạt động của ban quản trị; nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình bàn giao, quản lý vận hành chung cư.

UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo, giao Sở Xây dựng sau khi kết thúc kiểm tra thì tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP, trình UBND TP HCM trước ngày 31/7/2022.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch kiểm tra do Sở Xây dựng ban hành và triển khai.

Sở Tài nguyên Môi trường và Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM cũng được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia đoàn kiểm tra và thực hiện việc kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ được giao…

Chu Tuấn - Cảnh Nhật