Chủ trương phát triển NƠXH được luật hóa thông qua Luật Nhà ở (năm 2014) được Quốc hội ban hành và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng cho các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư phát triển NƠXH.

Ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển NƠXH và nhiều văn bản hướng dẫn khác liên quan đến NƠXH.

Tính đến tháng 11/2021, chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đã đạt những kết quả nhất định.

Chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 84 dự án, quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với quy mô xây dựng khoảng 81 nghìn căn hộ (bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang NƠXH đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận).

Chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp: Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ. Hiện nay còn 72 dự án đang tiếp tục được triển khai với quy mô khoảng 88.000 căn hộ.

Chương trình phát triển NƠXH dành cho học sinh, sinh viên, đã có 89/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 22.000 sinh viên. 6 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân khoảng 83%...

Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp trên cả nước mới chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thị sát việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TQ 

Hai nhóm nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu quỹ đất sạch và thiếu nguồn lực về tài chính tín dụng để triển khai các dự án NƠXH. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách để phát triển NƠXH bố trí cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam rất ít, khoảng 2.200 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí.

Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Việt Nam là nước có mức độ đô thị hoá nhanh, ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dân số khu vực thành thị được dự báo tiếp tục tăng nhanh và đạt 47,25 triệu người (khoảng 44,45% dân số) vào năm 2030.

Đến năm 2030, Việt Nam được dự báo sẽ có 1 đô thị trên 10 triệu dân, 1 đô thị từ 5 đến 10 triệu dân và 4 đô thị từ 1 đến 5 triệu dân. Việc đô thị hóa nhanh tuy có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng kéo theo một số hệ lụy, trong đó có việc các điều kiện về kết cấu hạ tầng, như: Nhà ở, trường học, bệnh viện… không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị, đặc biệt là nhu cầu của người thu nhập thấp.

Việc thiếu hụt NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Do không đủ điều kiện “3 tại chỗ” (ăn, ở và làm việc) nên nhiều doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến bị đứt gẫy nguồn cung ứng ra thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Sau chuyến thị sát mới đây tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về việc phát triển NƠXH nói chung và NƠXH cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị hai tỉnh tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng trong tiến trình giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân.

Về ngắn hạn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu hai tỉnh cần rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú cho công nhân. Nếu chưa sử dụng hết diện tích đất trong khu công nghiệp thì cho điều chỉnh quy hoạch để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân; giao doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư nhà lưu trú công nhân; cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở công nhân.

Về dài hạn, theo Bộ trưởng, trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp cần phải bố trí diện tích đất phù hợp để làm nhà lưu trú cho công nhân; bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở công nhân… UBND tỉnh có cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân cho thuê, thuê mua, mua.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc liên quan đến nhà ở công nhân và NƠXH để tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Trần Quý