Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập có quy mô từ 2 - 5 tầng, được xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Trong số này, phần lớn các nhà chung cư có chiều cao từ 3 - 5 tầng, diện tích căn hộ từ 30 - 50m2, đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã lập kế hoạch và tổ chức khảo sát, kiểm định được 344 nhà chung cư cũ với kết quả sau kiểm định: 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà cấp D (cấp nguy hiểm).

Nút thắt đối với việc cải tạo chung cư cũ thời gian qua được nhắc đến nhiều nhất là những quy định hạn chế chiều cao đối với những nhà cao tầng trong quận nội thành và khu vực trung tâm. Việc khống chế chiều cao công trình đã tạo ra những “rào cản” đối với những doanh nghiệp muốn “chung lưng đấu cật” với TP Hà Nội trong công tác cải tạo chung cư cũ.

Để từng bước hóa giải những khó khăn này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy chế Quản lý nhà cao tầng khu vực nội đô, tăng chiều cao từ 18 đến 24 tầng đối với các dự án cải tạo chung cư cũ.

Tuy nhiên, quy định cho tăng chiều cao, nhưng quy chế quy định không được tăng dân số cơ học lại “gây khó” cho các doanh nghiệp muốn bắt tay vào thực hiện.  

Bên cạnh đó, vấn đề được cư dân các khu chung cư cũ quan tâm khi TP thực hiện chủ trương cải tạo là hệ số bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư tại chỗ khi nhà mới hoàn thành. Việc xác định hệ số đền bù sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan cũng là bài toán nan giải, thậm chí nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.

Theo quy định của TP Hà Nội, chính sách hỗ trợ diện tích tái định cư tối thiểu với người dân là hệ số K=1,5 lần (đền bù nhà mới gấp 1,5 diện tích nhà cũ). Tuy nhiên, do việc thoả thuận hệ số đền bù được giao phó cho doanh nghiệp trực tiếp thoả thuận với người dân, nên các doanh nghiệp cải tạo chung cư cũ đều phải chấp nhận áp dụng hệ số K=2,1 lần, thậm chí K=2,5 lần như ở nhà D2 Giảng Võ.

Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, hầu hết các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vướng mắc do mâu thuẫn về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, Nhà nước với vai trò hoạch định chính sách cần gỡ được bản chất của vấn đề đang tồn tại, phải làm trọng tài để có một tiếng nói chung. Không nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận với các hộ dân, mà cứ áp dụng chung hệ số tái định cư bằng 1 (có nghĩa là tái thiết cho các hộ dân một diện tích ở mới tốt hơn nơi ở cũ), còn đối với phần diện tích mua thêm, các hộ phải trả theo giá thành xây dựng.

leftcenterrightdel
Hà Nội hiện có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà cấp D (cấp nguy hiểm). Ảnh: TQ 
 

Phát biểu tại Hội nghị Góp ý Đề án Cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội do Bộ Xây dựng vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Để có thể tạo ra đột phá mới trong xây dựng, cải tạo chung cư cũ, tại hội nghị, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội đều thống nhất cần hành động ngay. Bộ Xây dựng sẵn sàng và tích cực phối hợp với Hà Nội theo tinh thần những gì khó khăn thuộc thẩm quyền Chính phủ thì sẽ tháo gỡ, khó khăn thuộc về các luật liên quan thì theo cơ chế xin làm thí điểm.

Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, ngày 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị, trật tự xây dựng nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Về vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thực tế vấn đề được đặt ra từ năm 2012, dù TP đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng, chủ yếu do quy định luật, làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tán thành những ưu tiên quản lý đô thị của Hà Nội trong thời gian tới, xác định đúng vị trí, vai trò đối với Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm cực tăng trưởng của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Xây đề nghị TP Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quy hoạch cần chú ý khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Yêu cầu mới về phát triển bền vững của TP đã đặt ra tầm nhìn phát triển mới, đòi hỏi nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô cho phù hợp thực tiễn.

"Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong khâu đầu của việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hai bên cần lập tổ công tác chung để giải quyết các vấn đề và phối hợp đồng bộ giữa Hà Nội và Bộ Xây dựng", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Để có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, TP đề nghị cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ lãi suất trong phạm vi, khả năng, năng lực của các địa phương. Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng và TP phối hợp chặt chẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung thuộc thẩm quyền, còn liên quan đến các luật có thể trình cơ chế thí điểm.

Trần Quý