Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là thành viên Chính phủ đầu tiên ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng vào chiều ngày 3/11.

Kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản còn chưa chặt chẽ

Báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách.

Trong số này, bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Thu hút đầu tư nước ngoài lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn FDI. Đến tháng 9, giá trị vốn hóa ngành bất động sản khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản tới cuối tháng 8 đạt 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với cách đó hai tháng.

Dù vậy, theo ông Nghị, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác.

Cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.

Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế… còn khá phổ biến.

“Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân”, Bộ trưởng Xây dựng phản ánh. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp. Bộ trưởng Xây dựng cho hay, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, thậm chí, nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025.

Còn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại thiếu trầm trọng.

Hiện giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, tại các dự án nhà ở thương mại khu vực trung tâm các đô thị hầu như không có căn hộ giá dưới 25 triệu đồng một m2. Căn hộ có mức giá bình dân (25-30 triệu đồng một m2) chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm các quận, huyện. 

Kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản

Đề cập đến giải pháp để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá, theo Bộ trưởng Xây dựng, cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán.

 “Cần kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm”, ông Nguyễn Thanh Nghị nêu quan điểm.

Liên quan đến tín dụng cho thị trường này, Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nhưng với dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình... có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao, ông đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay.

Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn 4 trưởng ngành và Thủ tướng từ chiều 3/11.

Bộ trưởng Nghị sẽ trả lời về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội; xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại khu kinh tế, khu công nghiệp và TP lớn.

Bộ trưởng cũng sẽ làm rõ vấn đề quản lý thị trường bất động sản; xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia.

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Xây dựng, là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước. 

Hương Giang