Sáng ngày 3/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

“Không thể dùng ô tô đi kiểm tra các nhà máy xi măng”

Mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời yêu cầu VICEM giải trình, làm rõ một số vấn đề và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung này.

Đầu tiên, Thủ tướng rất quan tâm tới tỷ trọng đóng góp của ngành Xi măng, trong đó trụ cột là VICEM với tăng trưởng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng năm 2017 đạt 8,7%, nhưng tăng trưởng của ngành xi măng chỉ đạt khoảng 2%, đóng góp cho tăng trưởng còn ở mức độ khiêm tốn.

Tiếp đó, vấn đề củng cố bộ máy, quan tâm công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản bộ máy.

“Ví dụ, hiện nay bình quân một lao động tại VICEM sản xuất mỗi ngày 7,5 tấn xi măng, một năm là 2.430 tấn. Như vậy, một doanh nghiệp của VICEM sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng mỗi năm cần tới gần 1.500 người, trong khi một doanh nghiệp liên doanh mỗi người sản xuất được 11 tấn, tức là tiết kiệm được 433 người”, ông Dũng nêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đầu tư, quan tâm đến trả nợ vốn vay để quay vòng vốn hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, tăng thị phần, hướng tới xuất khẩu, tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước.

“Không chỉ Tổng Công ty mà cả ngành Xi măng cũng phải nghĩ tới tiết kiệm tài nguyên của đất nước. Núi đá vôi có hạn thôi, tài nguyên có hạn thôi, nếu không có giải pháp lâu dài, căn cơ sẽ không bảo đảm phục vụ cho sản xuất lâu bền”, Bộ trưởng nói.

Một vấn đề khác là ứng dụng các thành tựu, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Tiến Dũng cho hay, “Thủ tướng nói hình ảnh, bây giờ không thể dùng ô tô đi kiểm tra các nhà máy xi măng được mà phải ngồi ở Lê Duẩn (trụ sở Tổng Công ty - PV) để xem hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động các đơn vị”.

Thủ tướng cũng lưu ý Tổng Công ty rất quan tâm tới quản lý đất đai, tài sản, ngay cả trong liên doanh, liên kết sản xuất… vì tài sản rất lớn, cần sử dụng, khai thác hiệu quả, tránh thất thoát.

Cuối cùng, VICEM phải quan tâm đến vấn đề môi trường.

“Tôi biết có những doanh nghiệp tư nhân trong ngành Xi măng đầu tư rất kinh khủng, mà thời gian đầu tư rất nhanh, chỉ 9 tháng, 12 tháng là đốt lò rồi. Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu và đề nghị Tổng Công ty báo cáo cụ thể về khó khăn, vướng mắc để Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Đang bán rẻ tài nguyên?

Theo báo cáo, năm 2017, VICEM đã sản xuất được 19,3 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 26,6 triệu tấn. Doanh thu đạt 34.100 tỷ đồng, dù chỉ bằng 94,7% năm 2016 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 7,1%, đạt 2.850 tỷ đồng.

Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải 

Tuy nhiên, VICEM cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như tình trạng “cung” vượt “cầu” khoảng 25-30%; chi phí năng lượng tăng, than tăng 200.000 đồng/tấn, giá điện tăng…

Năm 2018, VICEM đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng lên hơn 20,1 triệu tấn, tiêu thụ gần 30 triệu tấn...  

Nghe vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề: Cung đang vượt cầu sao lại tăng sản lượng? Giá xi măng rẻ bằng một nửa Indonesia, phải chăng chúng ta đang bán rẻ tài nguyên?

Theo ông Cung, đóng góp vào tăng trưởng không phải là tăng bao nhiêu tấn, mà phải tăng năng suất, tăng hiệu quả. Và doanh nghiệp Nhà nước phải là động lực của tăng trưởng.

“Tôi nghĩ, Thủ tướng nên giao tăng ít nhất 20% hiệu quả, tăng gấp 3 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi khi chịu một áp lực mới bật ra những suy nghĩ khác biệt và những giải pháp đột phá. Nếu cứ tăng vài % thì vẫn tư duy truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay đang rất cần những cách nghĩ khác, tư duy khác. Thủ tướng nên giao nhiệm vụ nặng nề hơn, chứ giao như bây giờ còn thấp quá”, ông Cung nói.

Cũng băn khoăn về giá, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nêu:Tại sao xi măng của ta tốt như thế mà bắt buộc phải bán? “Tôi chưa bao giờ thấy Việt Nam khôn ngoan khi dùng chiến lược giá rẻ để chiếm thị trường sau đó tăng giá. Chúng ta không đủ năng lực để làm việc đấy”, ông Thiên nhận xét.

Ông Thiên cũng bày tỏ lo ngại khi xuất khẩu xi măng “có một tý”, trong khi xuất khẩu clinker lại nhiều, như vậy là chúng ta đang xuất khẩu tài nguyên thô.

“Câu chuyện này không còn là câu chuyện của VICEM nữa rồi, mà là câu chuyện của ngành, câu chuyện của quốc gia”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải có chiến lược lâu dài để không tổn hại tài nguyên quốc gia.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

 “Nghe báo cáo tăng sản lượng, về mặt doanh nghiệp cũng chúc mừng VICEM nhưng về quốc gia phải nói là chia buồn. Nhà tôi chính là ở Hoàng Mai. Mỗi năm về quê thấy mất một quả núi công hiến cho Nhà máy Xi măng Bút Sơn… Ngày xưa, một núi đá vôi, cả huyện đào mấy trăm năm không hết, nhưng giờ chỉ nhát là đi luôn cả quả núi, như thế thì đánh đổi cực kỳ ghê gớm”, ông Thiên chia sẻ.

Lắng nghe, Chủ tịch VICEM Lương Quang Khải trấn an, mục tiêu không tăng sản lượng tràn lan mà phải tăng giá trị gia tăng và hiệu quả. Ví dụ, VICEM đã đưa các phụ liệu như tro bay, xỉ… vào nguyên liệu sản xuất, từ đó giảm hơn 20% lượng clinker dùng để sản xuất xi măng.

“4 năm qua, VICEM không tăng giá, sản lượng chỉ tăng nhẹ, doanh số cũng không tăng nhưng lợi nhuận tăng trưởng 20% mỗi năm, dù có năm riêng chi phí cho than đã tăng thêm 450 tỷ đồng”, ông Khải thông tin và khẳng định, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến để doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Kết luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chúng ta xuất khẩu 70% clinker, 30% xi măng thành phẩm thì hỏng, không ổn. Cho nên, phải thay đổi cơ cấu sản xuất, phải đảo ngược lại, thậm chí mua cả clinker để sản xuất xi măng. Rồi nếu giá xi măng xuất khẩu chỉ rẻ bằng một nửa của Indonesia hay Philippines trong khi chất lượng tốt thì phải tính toán lại xem thế nào…

Ông Dũng cũng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia là việc tăng sản lượng phải đi đôi với hiệu quả, nâng giá trị gia tăng, vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và lợi ích quốc gia.

“Như Thủ tướng đã chỉ đạo là không tăng sản lượng dầu thô vì tăng trưởng nếu giá dầu thấp. Tăng trưởng phải bền vững, hiệu quả. Không lấy sản lượng làm mục tiêu mà phải bảo đảm hiệu quả cuối cùng”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Sau buổi kiểm tra, Tổ công tác sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của VICEM và ngành xi măng để báo cáo Thủ tướng.

Công nợ nội bộ của VICEM trong những năm qua còn cao, ít nhiều còn có hiện tượng chiếm dụng vốn lẫn nhau.

“Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, VICEM đã thiết lập lại kỷ cương và đã giảm được công nợ. Từ nợ nội bộ hơn 900 tỷ đồng đến nay chỉ còn hơn 300 tỷ đồng”, ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc VICEM cho biết.

Hương Giang