Mất nhiều hơn được

Trước khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường tại Kiên Giang, thị trường bất động sản Phú Quốc nóng như chảo lửa. Lực lượng cò đất từ khắp cả nước dồn về hòn đảo này, đi lùng kiếm các khu đất đẹp mà không cần quan tâm đến là đất rừng phòng hộ, rừng quốc gia, hay đất đã có quyết định thu hồi. Sau khi chặt cây, dọn cỏ, xây dựng công trình không phép, thì chuyển nhượng lại với giá tiền tỷ, tạo ra sức ép lớn cho sự phát triển bền vững của huyện đảo Phú Quốc, là nơi được dự kiến quy hoạch xây dựng thành khu hành chính kinh tế đặc biệt tại phía Nam. Việc làm này gián tiếp gây ra những thách thức không nhỏ trong quản lý đất đai đối với huyện Vân Đồn và huyện Vân Phong (là 2 nơi cũng được dự kiến xây dựng thành khu hành chính kinh tế đặc biệt, theo chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ).

Để xử lý vấn đề này, ngày 15/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 651/UBND-KTCN, yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Phú Quốc tạm ngừng giải quyết thủ tục phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc, cho đến khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thông qua, cũng như đến khi quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh theo quy định.

Tương tự với cách làm này, ngày 9/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã ký Văn bản số 4391/UBND-XDNĐ, yêu cầu cơ quan chức năng tạm ngừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện thủ tục tách thửa, cho đến khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thông qua và quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính kinh tế Bắc Vân Phong được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng với địa bàn huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), chỉ đến khi báo chí phản ánh đậm nét về hiện tượng “thổi giá” đất, tình trạng chuyển nhượng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, thì ngày 12/3/2019, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp ký Văn bản số 1501/UBND-QLĐĐ1, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất tại huyện Vân Đồn.

Những biện pháp này đều ban hành chậm hơn so với thực tế diễn biến bất thường của thị trường bất động sản không minh bạch tại 3 huyện đảo. Vì rằng, các nhóm đầu cơ đất, sau khi thổi giá, bán đất bất chấp hậu quả, đã thu được lợi nhuận và ngừng hoạt động. Phần thiệt thòi lại do các hộ dân địa phương gánh chịu.

Trả lại quyền lợi cho dân

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, tính đến tháng 6/2019, đã phát sinh 21 đơn khiếu nại, kiến nghị về pháp lý của Văn bản số 651/UBND-KTCN. Nội dung kiến nghị của công dân đều cho thấy hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp đáp ứng đúng quy định pháp luật, nhiều bản án tranh chấp quyền sử dụng đất đã có hiệu lực pháp luật, vẫn bị vướng do quy định không giải quyết các thủ tục theo Văn bản số 651/UBND-KTCN. Đây là văn bản dưới luật nên không thể dùng để điều chỉnh quan hệ pháp lý của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng. Nếu xem là giải pháp tình thế để hạ nhiệt sốt đất, chấn chỉnh sai phạm, thì đến thời điểm này, khi đất hết sốt, tình trạng phá rừng, bao chiếm đất Nhà nước quản lý đã được chấn chỉnh, thì cần phải điều chỉnh Văn bản số 651/UBND-KTCN để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Đối với huyện Vân Phong (Khánh Hòa), người dân các xã nằm trong diện không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất vì Văn bản số 4391/UBND-XDNĐ, cũng liên tục kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phải có giải pháp xử lý đúng thẩm quyền. Nội dung này cũng đã được ông Đàm Ngọc Quang, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vân Phong đề cập đến trong Văn bản số 13/HĐND-VP ngày 8/1/2019, đó là quy định pháp luật về tặng, cho, thừa kế, chấp hành bản án liên quan đến quyền sử dụng đất, phải được giải quyết. Ngoài ra, các hồ sơ đất đai đã được tiếp nhận trên hệ thống phần mềm một cửa từ ngày Văn bản số 4391/UBND-XDNĐ có hiệu lực, phải được xử lý đúng quy định để không ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính của địa phương.

Điều này cũng được ông Mai Xuân Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, nêu rõ trong Văn bản số 4856/STNMT-CCQLĐĐ ngày 8/11/2018, là có đến 504 hồ sơ nhà, đất phải tạm ngừng xử lý theo tinh thần Văn bản số 4391/UBND-XDNĐ. Trong khi đó, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa lại lo ngại về câu chuyện nếu tạm ngừng giải quyết các hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống một cửa, thì cơ quan nào sẽ phải hoàn trả lại tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân mà người dân đã nộp vào kho bạc.

Đến thời điểm này, kết quả thanh tra đất đai tại huyện Vân Đồn vẫn chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh công khai theo quy định. Nói cách khác, việc minh bạch chính sách để bảo đảm quyền lợi của người dân vẫn chưa đầy đủ, dù theo yêu cầu của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp, rằng: Kết quả thanh tra phải hoàn chỉnh trước ngày 30/4/2019.

Đầu tháng 6/2019, trên cơ sở nhận thức đúng bản chất pháp lý, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã quyết định giao các sở, ngành phối hợp cùng UBND huyện Phú Quốc làm rõ các kiến nghị của người dân, để có phương án tháo gỡ các thủ tục liên quan đến nhà, đất.

Trong khi đó, sau 1 năm tạm ngừng, ngày 17/6/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã ký Văn bản số 5789/UBND-XDNĐ cho phép tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa theo các quy định của Luật Đất đai tại huyện Vạn Ninh. Đây cũng là phương án đã được các cơ quan chuyên môn tỉnh Khánh Hòa chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương để bảo đảm quyền, lợi ích cho nhân dân.

Những tín hiệu vui này đang tạo ra niềm tin của nhân dân vào sự sáng suốt, công tâm của chính quyền 3 địa phương về tinh thần cải cách, mạnh dạn sửa sai vì quyền lợi của dân, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, vì sự phát triển bền vững của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong tương lai.

Thảo Du