Mục đích ban đầu của việc xây dựng trường mầm non này là để phục vụ cho con em công nhân, lao động tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Ngôi trường với quy mô khang trang được hoàn thành vào cuối năm 2017, trong sự hân hoan, vui mừng của người dân. Vậy nhưng, từ đó đến nay, ngôi trường bị bỏ hoang hóa.

Lý do được đưa ra là nhà trường “có vỏ nhưng không có ruột”, vì thiếu đi cái cần thiết nhất là thiết bị nuôi, dạy học cho trẻ em.

Nhìn cả cơ ngơi bạc tỷ chìm trong cỏ dại, chị Ngô Thị Dương, trú phường Điện Ngọc, xót xa, do địa bàn có khu công nghiệp lớn nên hàng ngàn công nhân nhiều nơi về đây làm việc. Đa phần chúng tôi là các gia đình trẻ, ai cũng mong ước có ngôi trường mầm non cho con cái theo học được gần gũi, dễ đưa đón mỗi khi ra, vào ca làm việc...

"Hai vợ chồng mình đều làm công nhân trong khu công nghiệp, thu nhập tiền lương chẳng đủ chi phí qua ngày. Vợ chồng chắt bóp để có tiền cho 2 đứa con nhỏ gửi ở điểm mầm non tư thục. Hồi đó, khi họ xây trường, ai cũng mừng vì gửi trẻ thuận lợi và ít tốn kém hơn, nhưng đợi mãi không thấy nhận trẻ. Thế rồi, trường bỏ hoang đến nay" - chị Dương ngậm ngùi nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là cơ sở giáo dục do LĐLĐ tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng trường chủ yếu dựa vào việc kêu gọi tấm lòng vàng của các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ và một số vốn đối ứng của chủ đầu tư.

Công trình chia làm 2 giai đoạn thi công, với 7 phòng học, các bếp ăn, phòng hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ khác... trên diện tích 3.000m2. Mức độ khang trang và quy mô của ngôi trường này gấp nhiều lần so với các ngôi trường tương tự ở các huyện, TP ở tỉnh Quảng Nam.

Song, trải qua thời gian khắc nghiệt, do không sử dụng, ngôi trường đã bắt đầu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, phòng học nhếch nhác, đầy bụi, đồ đạc hư hỏng, gỉ sét...

Ông Lưu Văn Thương, Phó Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam cho hay, đơn vị cũng “đau đầu” về vấn đề này. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực trạng của trường để tìm hướng xử lý.

"Nguyên nhân trường chưa hoạt động là do bên trong trường vẫn còn "rỗng ruột". Các phòng học, khuôn viên, nhà để xe, công trình vệ sinh đã hoàn thành, nhưng chưa có các trang thiết bị dạy học, hệ thống điện cũng như các thiết bị cần thiết phục vụ việc nhận nuôi dạy trẻ..." - ông Thương nói.

Theo ông Thương, hướng khắc phục hiệu quả nhất là cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuê lại cơ sở nhà trường. Sau khi thuê, họ sẽ đầu tư các thiết bị còn thiếu rồi hoạt động, nhận trẻ em. Thời hạn thuê bắt buộc ngắn nhất là 15 năm.

Trước lo lắng khi giao trường cho doanh nghiệp, quyền lợi và chế độ của trẻ sẽ không được đảm bảo, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây chỉ mới là đề xuất để Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét. Tuy nhiên, nếu thực sự giao trường cho nhà đầu tư, thì cũng phải cam kết bảo vệ nguyên trạng công trình trường học, không tự ý tháo dỡ, đập bỏ hay xây dựng thêm bất kỳ hạng mục nào.

Ngoài ra, phải đảm bảo quyền lợi cho con em công nhân lao động, học phí phải thấp hơn so với các trường mầm non ngoài công lập. 

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm, do con đường vào trường chưa làm xong nên không có phụ huynh nào đưa con đến gửi. Trước đó, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam có ý định giao cho UBND thị xã Điện Bàn tiếp nhận, nhưng địa phương không đồng ý, vì nếu tiếp nhận thì cũng bỏ hoang. Hiện tại, ngôi trường này vẫn do LĐLĐ tỉnh Quảng Nam quản lý, địa phương đã có kiến nghị để sớm đưa trường vào hoạt động, phục vụ nhu cầu của công nhân, lao động tại địa phương.

Nguyên Phê