Đất trống là xây

Chỉ mới chưa đầy 6 tháng, dãy đất dốc hướng về phía núi ven đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, đã bị bịt kín bởi lớp lớp nhà phố. Trong khi đó, lượng xe cộ tập trung về khu vực này quá đông nên cảm giác càng ngột ngạt thêm vì không gian phía biển đã bị chắn giữ bởi hàng trăm công trình cao tầng, còn phía núi thì mảng xanh ngày càng thu hẹp nên đi trên đường Trần Hưng Đạo thời điểm đầu tháng 4/2018, chúng tôi có cảm giác như đang bị hai bức tường bê tông đủ hình dạng kẹp chặt.

Điều kỳ lạ là, dường như phần lớn các công trình này lại được xây dựng theo kiểu 3 không. Đó là không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, hoặc đất chuyên dụng; không có giấy phép xây dựng; không có phương án bảo vệ môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần đất trống, không có ai tranh chấp là có thể xây dựng nhà ở hay khách sạn. Hay nói như một nhân viên lái tàu tuyến phà biển Hà Tiên - Phú Quốc, đầu năm đến nay đã có 500 chiếc xe chuyên dụng san ủi mặt bằng được chuyên chở ra Phú Quốc và chưa thấy vào. Vì thế, không lạ gì khi nhiều nơi trên đảo trở thành công trường xây dựng không phép, sai phép, hàng trăm ngàn xây xanh bị chặt hạ, hàng trăm khu đồi được san gạt không thương tiếc để phân lô nhà ở với những hàng móng bê tông trắng nhức mắt trên nền đất đỏ như máu giữa tiết trời nắng như đổ lửa.

Lỏng tay quản lý

Vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên cơ quan chức năng Phú Quốc đã không thể kiểm soát nổi việc xây dựng tràn lan. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã phải chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành để mong muốn chấn chỉnh lại tình trạng cứ đất trống là xây tại đảo ngọc.

Qua kiểm tra ròng rã hơn 6 tháng, cơ quan chuyên môn vẫn chưa phân loại được đâu là công trình phải tháo dỡ, đâu là công trình phạt cho tồn tại, nên tình hình ngày càng xấu đi. Thậm chí đã xuất hiện sự bảo kê của băng nhóm xã hội đen trong đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động xây dựng sai phép, không phép, càng làm cho không khí trên đảo ngột ngạt hơn.

Nếu như các địa phương khác, việc quản lý đô thị sẽ thuận lợi hơn, tại Phú Quốc, do lịch sử biến động đất đai nên hiện trạng xây dựng sai phép, không phép, phá rừng để xây dựng nhà, lấn chiếm hành lang biển là bài toán chưa có lời giải.

 

Khu vực đường Trần Hưng Đạo với giá đất có khi lên đến 150 triệu/m2 đã bị bê tông hóa đến mức ngột ngạt. Ảnh: NG

 

Nếu đến Phú Quốc bằng đường hàng không thì ngay khi rời khỏi sân bay vào khu vực ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, khách du lịch đã nhìn thấy khu vực bờ biển bị xâm lấn bởi hàng trăm công trình nhà hàng, khách sạn. Nếu đi đường tàu cao tốc, hoặc phà biển thì ngay khi cập bờ đến khu vực ấp Bãi Vòng, xã Dương Tơ thì cả khu vực hàng trăm ha rừng phòng hộ đã bị thay thế bởi hàng hàng, lớp lớp công trình xây dựng đủ quy mô và hình thức. Ngay cả khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đang bị xâm lấn ngày càng nghiêm trọng để xây dựng, sau đó sang bán cho các nhà đầu tư đến từ các tỉnh phía Bắc bằng giấy tay với mức giá tiền tỷ.

Đến thời điểm này, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra, tiếp đó Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo bổ sung thanh tra việc quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp tại Phú Quốc, nhịp độ giao dịch nhà đất tại hai phòng công chứng của đảo đã giảm nhiệt. Tuy nhiên, hậu quả của hiện tượng bê tông hóa đảo ngọc sẽ vẫn là câu chuyện khó có hồi kết khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Phú Quốc, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm đúng người, đúng tội.

          Giáng Thăng - Thảo Du