Ngừng cấp điện, nước công trình vi phạm

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua phân loại nội dung giấy phép xây dựng cho thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn TP là khá cao. Năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, giấy phép nhà ở riêng lẻ được cấp chiếm 89% tổng số giấy phép xây dựng trên địa bàn TP.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ông Kiên cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó do quy định của pháp luật như Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn mà chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế, kinh phí cưỡng chế, lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế.

Ngoài ra, do đặc thù của TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình tăng dân số cơ học cao, dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao, làm phát sinh tình trạng mua bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền TP đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhưng tình trạng này còn xảy ra diễn biến phức tạp, chậm phát hiện và xử lý chưa kịp thời.

Đề xuất giải pháp cụ thể, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền, Sở Xây dựng cần tham mưu UBND TP đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TL

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà đất hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư xây dựng mới khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho rằng, cần định hướng về mặt dân số cũng như phân bổ kế hoạch sử dụng đất cả một quá trình dài, chu kỳ với những huyện còn diện tích đất nông nghiệp để có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng xây dựng không phép, trái phép.

Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, TP cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. Việc này không chỉ là đấu tranh, phòng ngừa ngay từ đầu mà còn để củng cố hồ sơ, làm cơ sở xử lý hình sự đối với các đầu nậu cố tình vi phạm…

Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xu hướng xây dựng không phép đang có chiều hướng tăng. Do đó, cần phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, những công trình đã xây dựng trái phép, không phép đang tồn tại cần có hướng xử lý. Tình trạng xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện và xử lý ngay, không để kéo dài.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm lực lượng xây dựng môi giới trái phép; cán bộ, công chức, đảng viên nếu làm sai phải bị xử lý. TP sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng, bổ sung lực lượng cảnh sát khu vực vào việc giám sát trật tự xây dựng; rà soát lại quy hoạch cấp TP và quận, huyện, phường, xã...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn cũng như chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL

Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ khẩn trương thẩm định và trình UBND TP về Đề án Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, thuộc UBND quận, huyện; Sở Tài chính khẩn trương có hướng dẫn cho các quận, huyện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về kinh phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng; nghiên cứu việc sử dụng nguồn tiền xử phạt vi phạm hành chính để tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

Đồng thời, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng như biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng; không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm; các giải pháp cưỡng chế, xử lý nhanh đối với công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp phép; giải pháp cưỡng chế khấu trừ tiền tài khoản của đối tượng vi phạm…

Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Xây dựng tham mưu ban hành văn bản thay thế quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, trên cơ sở phân cấp mạnh hơn cho Đội thanh tra địa bàn theo hướng tiếp cận dần đến mô hình hoạt động của Đội quản lý trật tự đô thị, thuộc UBND quận, huyện quản lý.

“Việc kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, cần có sự nỗ lực không chỉ của chính quyền các cấp mà còn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân TP”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thiên Lý