Nhiều gam màu tối

Quan điểm của Bộ Tài chính là từ ngày 1/1/2018, các quy định về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26/6/2015, sẽ không còn hiệu lực. Lý do là theo quy định tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã xác định thẩm quyền đối với việc sử dụng tài sản công là của Chính phủ.

Ngoài ra, tại nhiều cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Bộ Tài chính đều khẳng định rõ thêm là trước thời điểm 1/1/2018 thì các quyết định dùng tài sản công trong thanh toán BT cũng phải tuân thủ đúng Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật thì các văn bản dưới luật không được trái với tinh thần của luật. Nội dung các hợp đồng BT đều thể hiện hành vi nhà đầu tư bỏ chi phí làm công trình, rồi nhận lại quyền sử dụng đất có giá trị tương đương. Nếu đã liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải áp dụng quy định của pháp luật đất đai. 

Quy định của Luật Đất đai 2003 đã nghiêm cấm hình thức đổi đất lấy công trình, còn Luật Đất đai 2013 chỉ quy định giao diện tích đất tại vị trí triển khai công trình BT, còn giá trị quyền sử dụng đất để đổi cho nhà đầu tư thì phải được định giá theo giá thị trường, hoặc đấu giá đất để chống thất thu cho ngân sách. Sau khi công trình BT thi công xong thì phải được kiểm toán giá trị và ngân sách sẽ hoàn trả lại chi phí cho nhà đầu tư, hoặc nếu giá trị đất hoán đổi lớn hơn giá trị công trình thì nhà đầu tư phải nộp thêm số tiền tương ứng cho ngân sách.

Quy định là thế, nhưng hầu hết các địa phương, các tổ chức đều viện dẫn Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg để cho rằng, việc dùng tài sản công là nhà, đất thanh toán giá trị công trình là phù hợp. Đây là nguyên nhân dẫn đến trong thực tế có công trình BT sau khi kiểm toán là 497 tỷ đồng nhưng giá trị quỹ nhà đất thanh toán cho nhà đầu tư là 2.241 tỷ đồng. Điều bất hợp lý tại công trình BT này đã được Bộ Tài chính báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 135/TTr-BTC ngày 25/10/2018. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg là không bảo đảm nguyên tắc ngang giá trong thanh toán hợp đồng BT.

Hậu quả của tư duy lạm quyền, lách, vượt luật này đã dẫn đến hiện tượng nở rộ BT trên khắp cả nước. Điều này đã tạo ra kẽ hở thất thoát tài sản công, phá vỡ quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, là mảnh đất màu mỡ để nhóm lợi ích lộng hành. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư được lãnh đạo các tỉnh, thành lớn chấp thuận cho phép nhận đất, nhận nhà để kinh doanh bất động sản trước trong khi công trình BT vẫn chưa xong. Điều bất thường là nhà đất mà nhà đầu tư được nhận theo hình thức thanh toán BT đều có vị trí đắc địa, có khả năng sinh lời cao nhưng mức giá được các sở, ngành xác định đều thấp hơn nhiều so với giá trị thực của thị trường, cũng như chưa được HĐND cùng cấp chấp thuận, chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất.

Ngay sau khi có gần 10ha đất vàng, CII đã đem góp vốn cùng Hongkong Land làm khu phức hợp chung cư cao cấp Thủ Thiêm River Park. Ảnh: Ngọc Giang

 

Cần "bàn tay sạch"!

Ngay sau khi nhận được đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các chủ đầu tư đã vội vã trình cho cơ quan quản lý phương án xây dựng nhà, xây dựng cao ốc để thế chấp tại các ngân hàng quen biết. Nhờ đất đẹp, dự án sinh lợi cao nên hồ sơ vay vốn nhanh chóng được giải ngân với số tiền lớn, nhưng chỉ một phần nhỏ của số tiền này được rót vào công trình BT, còn phần lớn được chủ đầu tư “ném” vào các “canh bạc bất động sản” khác.

Ngược lại, công trình BT thì được thi công với tốc độ rùa bò, nếu đội vốn thì sẽ được chủ đầu tư kiến nghị với các địa phương là ký phụ lục hợp đồng BT với phần thiệt thòi lại thuộc về Nhà nước. Cụ thể của điển hình này là dự án BT Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, sau khi thi công vài hạng mục cầu cảng thì cả khu vực đất sân bay Dương Đông vẫn bỏ hoang trong nắng gió, với lý do đang chờ thêm hơn 500 tỷ đồng ngân sách đối ứng.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hàng loạt sai phạm về cơ chế BT được Thanh tra Chính phủ kết luận, được Kiểm toán Nhà nước làm rõ thì nhiều địa phương vẫn cố tình xin được tiếp tục cho thanh toán đối với các hợp đồng BT đã được ký. Ngay cả khi Quốc hội, Chính phủ, cùng các bộ, ngành chuyên môn quyết tâm hành động để bịt kín kẽ hở sai phạm bằng việc ngừng dùng tài sản công thanh toán BT, thì ngay lập tức lãnh đạo nhiều địa phương đã không đồng thuận. Lý do mà các địa phương, còn có thêm tiếng nói của nhiều chủ đầu tư BT là cần lấp đầy khoảng trống pháp lý BT bằng cách tiếp tục cho phép thanh toán bằng tài sản công, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường bất động sản. Hầu hết các kiến nghị này đều không đề cập đến số phận của công trình BT mà chỉ tập trung tháo gỡ cho phần đất đang được các doanh nghiệp xây nhà để bán tại các đô thị lớn.

Điều này thể hiện rõ nét nhất là ngay sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý cho phép dùng tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT ký trước tháng 1/2018, thì lãnh đạo Cty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) đã vội vã ký Văn bản số 613/2019/CV-CII cho rằng doanh nghiệp được tiếp tục thanh toán hợp đồng BT số 1802/HĐ-UBND ký ngày 20/4/2016. Đây là hợp đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam tại quận 2, có trị giá thi công khái toán là 2.641 tỷ đồng. Đổi lại thì CII được UBND TP Hồ Chí Minh giao gần 10ha đất tại khu chức năng số 3, số 4 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cuối năm 2017, CII đã đem phần đất này liên doanh với đối tác đến từ Hồng Kông là Hongkong Land để triển khai xây dựng khu phức hợp chung cư cao cấp Thủ Thiêm River Park.

Nhằm thống nhất cơ bản hành lang pháp lý trong khi chờ sửa các luật có liên quan, đầu tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Sau đó, ngày 11/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ là Bộ Tài chính cần phối hợp cùng các bộ, ngành khác, trong đó có Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện cơ chế đầu tư BT, với quan điểm không để thất thoát tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước.

Ngọc Giang