Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan...là những nhóm chính sách lớn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, điểm nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng...

Trong đó, thủ tục cấp giấy phép xây dựng được sửa đổi theo hướng rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng; mở rộng đối tượng công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng...

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết hiện nay quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép dài; còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép hay không đúng giấy phép.

Tình trạng được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay Chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy vẫn xảy ra; việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với dự thảo Luật cần quy định việc miễn giấy phép xây dựng đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri rất kỳ vọng và quan tâm đến vấn đề cấp phép xây dựng.

Bà Nguyễn Thanh Hải băn khoăn: "Tất cả các điều khoản trong dự án Luật từ quy trình lập thẩm định, xin giấy phép có đảm bảo giảm thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí như đã nêu trong nguyên tắc hay không".

Dẫn thông tin báo chí nêu về việc "làm doanh nghiệp mới biết thời gian làm thủ tục là vô tận", bà Hải cho rằng, tất cả chi phí phát sinh do thời gian làm thủ tục đều đổ lên người dân.

Đại biểu này nêu rõ: "Một doanh nghiệp nói là công trình đầu tư xây dựng nhà 200 tỷ đồng, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày trung bình phải trả 100 triệu đồng lãi suất ngân hàng. Mỗi ngày chờ đợi thêm để cấp phép thủ tục sẽ gánh thêm giá thành bán nhà sau đó".

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ các điều khoản trong dự án Luật này để đảm bảo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo trật tự đô thị và các quy định khác.

Làm rõ thêm tình hình vi phạm trật tự xây dựng

Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật trình ra Quốc hội lần này là bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc thi công xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, tuân thủ thiết kế xây dựng, giấy phép xây dựng được cấp (nếu có) và phải được quản lý để đảm bảo trật tự xây dựng.

Cơ quan quản lý trật tự xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Xây dựng đề cập vấn đề này chưa thực sự cụ thể và thuyết phục.

Do đó, ban soạn thảo cần báo cáo rõ thêm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng chưa có giấy phép, xây dựng sai giấy phép; xây dựng nhà ở trên mặt bằng không đủ diện tích…; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã, phường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, những bất cập, hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng phần lớn là do nguyên nhân thiếu kỷ luật, kỷ cương trong quá trình tổ chức thực hiện. Luật Xây dựng hiện hành về cơ bản đã có các quy định về quản lý trật tự xây dựng.

Hơn nữa, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ liên quan đến giấy phép xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính... Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các quy định này sao cho phù hợp.

Liên quan đến quy hoạch xây dựng, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định về vấn đề này để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, các luật được sửa đổi theo Luật Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất, định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch.../.

Don gian hoa thu tuc dau tu trong linh vuc xay dung hinh anh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)